18:00 06/07/2012

Thêm bằng chứng về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc

An Huy

Động thái hạ lãi suất bất ngờ của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang trong tình trạng tệ hơn mọi người vẫn tưởng

PBoC tuyên bố cắt giảm 31 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, đưa lãi suất này về mức 6%.
PBoC tuyên bố cắt giảm 31 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, đưa lãi suất này về mức 6%.
Động thái cắt giảm lãi suất đầy bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vào ngày 5/7, lần hạ lãi suất thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng của nước này, cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang ở trong tình trạng tệ hơn mọi người vẫn tưởng.

Động thái này cũng cho thấy, Bắc Kinh đang trở nên lo ngại hơn về triển vọng tăng trưởng trước khi một loạt thống kê quan trọng được công bố vào tuần tới.

Hôm qua, PBoC tuyên bố cắt giảm 31 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, đưa lãi suất này về mức 6%. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm cũng được cắt giảm 25 điểm cơ bản, còn 3%. Hãng tin CNBC cho biết, theo các chuyên gia kinh tế, Bắc Kinh đang chú trọng nhiều hơn tới vấn đề hỗ trợ tăng trưởng bằng cách hạ lãi suất vay vốn đối với các doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân.

“Lần hạ lãi suất này của Trung Quốc diễn ra sớm hơn dự báo, cho dù chúng tôi đã trù tính là PBoC sẽ còn hạ thêm lãi suất trong quý 3. Động thái này có thể báo trước cho một loạt thống kê tăng trưởng xấu hơn dự kiến mà Trung Quốc công bố vào tuần tới”, chuyên gia kinh tế Qu Hongbin và Sun Junwei thuộc HSBC nhận định.

Những thống kê mà Trung Quốc công bố trong tuần tới bao gồm lạm phát và kim ngạch thương mại tháng 6, cùng tốc độ tăng trưởng GDP quý 2. Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc mạnh hơn mong muốn của Bắc Kinh. Năm nay, Chính phủ Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7,5%.

“Các nhà lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Trung Quốc đang cảm thấy tính cấp bách gia tăng của vấn đề kinh tế suy giảm. Bắc Kinh không còn ‘dung thứ’ đối với sự giảm tốc tăng trưởng như trước”, chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của ngân hàng Nomura tại Trung Quốc nhận xét.

Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc trong quý 2 vừa qua có thể đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý giảm thứ 6 liên tục và là mức tăng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Ông Zhang cho rằng, nếu tăng trưởng tiếp tục suy giảm và có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức đề ra, thì chắc chắn sẽ có thêm những biện pháp kích thích mới. Ông Zhang dự báo, trong tháng 7 này, PBoC sẽ cắt giảm ít nhất 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện ở mức 20% tại các ngân hàng thương mại.

Từ tháng 11 năm ngoái tới nay, Trung Quốc đã ba lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mỗi lần 50 điểm cơ bản, theo đó giải phóng chừng 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 190 tỷ USD, vôn cho vay. Lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc gần nhất được thực hiện vào tháng 5.

Tương tự, các chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Barclays cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc “có thể đã đánh giá thấp sự suy giảm niềm tin và các hoạt động kinh tế” trong 6 tháng đầu năm. Các chuyên gia này dự báo, PBoC sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 2 lần nữa trong 6 tháng cuối năm, một lần vào tháng 7 và một lần vào tháng 10.

Theo ông Charles Dallara, Giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế, việc tăng cường hoạt động tín dụng trong nước là một “động thái tốt”, nhưng hạ lãi suất là chưa đủ để kích thích tăng trưởng ở Trung Quốc vì nhu cầu của thị trường quốc tế đối với hàng hóa của nước này vẫn ở mức yếu.

“Cách đây chừng 2 năm, không có gì là ngạc nhiên khi chứng kiến nhu cầu mọi mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 30% mỗi năm. Giờ thì mức tăng chỉ còn dưới 10%. Rõ ràng, thị trường toàn cầu đang yếu đi và tôi e rằng, các nền kinh tế lớn của thế giới đang đồng loạt rơi vào trạng thái bất lợi”, ông Dallara phát biểu.

Không chỉ có Trung Quốc, hai ngân hàng trung ương lớn khác của thế giới là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm qua cũng đồng loạt tung ra các biện pháp kích thích tăng trưởng. Trong đó, ECB hạ lãi suất cơ bản đồng Euro về mức thấp kỷ lục 0,75% từ mức 1% trước đó. BoE thì tuyên bố bơm 50 tỷ Bảng (78 tỷ USD) để mua tài sản nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi, khẳng định, các động thái trên của ba ngân hàng trung ương lớn chỉ ngẫu nhiên được tung ra cùng lúc và không hề có sự phối hợp hành động như sự phối hợp từng được thực hiện hồi năm 2008 sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc PBoC, ECB và BoE cùng lúc hành động cho thấy các nhà chức trách đang tỏ rõ sự lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.

Hiện thị trường đang chờ xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ làm gì trong cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) sẽ họp vào tuần tới.

Cũng trong ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Đan Mạch cắt giảm lãi suất với mức hạ 25 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương Kenya sau 9 tháng “án binh bất động” cũng hạ lãi suất cơ bản với mức cắt giảm lên tới 150 điểm cơ bản.