08:48 18/12/2020

Thị trường bảo hiểm: Vượt lên mức hồi phục trung bình

Hoàng Xuân

Thị trường bảo hiểm có được một tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2020, vượt lên mức hồi phục trung bình của nhiều ngành kinh tế khác.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư kýHiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư kýHiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Với nền tảng vững chắc, những nỗ lực vượt mọi thách thức của các doanh nghiệp bảo trong nhiều năm qua đã và đang giữ cho thị trường bảo hiểm có được một tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2020, vượt lên mức hồi phục trung bình của nhiều ngành kinh tế khác.

Năm 2020, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020). Nhìn lại 5 năm qua, dưới góc nhìn của Hiệp hội Bảo hiểm, đâu là những dấu ấn của thị trường bảo hiểm Việt Nam? 

Hiện tại, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 69 doanh nghiệp bao gồm: 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 17 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (tăng thêm 02 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 01 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 04 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm so với năm 2015).

Doanh thu bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm từ 2016 đến 2020 ở mức khoảng 22%, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng trung bình 13%, bảo hiểm nhân thọ tăng trung bình 28%. Năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm đạt 70.252 tỷ đồng (bảo hiểm phi nhân thọ đạt 32.142 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ đạt 38.110 tỷ đồng) thì đến năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã tăng hơn gấp đôi (tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2019 đạt 159.761 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt 52.842 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ đạt 106.919 tỷ đồng).

Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng vững mạnh. Năm 2015, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm là 202.558 tỷ đồng, tổng dự phòng nghiệp vụ 119.540 tỷ đồng; đến năm 2019 tổng tài sản đạt 454.379 tỷ đồng, tổng dự phòng nghiệp vụ là 285.965 tỷ đồng.

Ngành bảo hiểm thực sự đã trở thành tấm lá chắn kinh tế cho nền kinh tế - xã hội, có vai trò rất quan trọng giúp ổn định kinh tế - xã hội. Điều này được minh chứng qua con số hàng chục nghìn tỷ đồng hàng năm mà ngành bảo hiểm chi trả tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước.

Ngành bảo hiểm đã góp phần đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các dự án được tài trợ của nước ngoài góp phần thu hút vốn FDI và ODA. Ngoài ra, ngành bảo hiểm tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn đầu tư trở lại nền kinh tế. Năm 2015, ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế 160.466 tỷ đồng và con số này tăng lên 376.555 tỷ đồng vào năm 2019, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1 triệu người lao động (bao gồm cán bộ nhân viên và đại lý bảo hiểm).

Thị trường bảo hiểm 2020: vượt lên mức hồi phục trung bình - Ảnh 1.

 

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là một hiệp hội mạnh và có hoạt động tích cực nhất và cũng làm rất tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, góp phần đưa chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát triển thị trường theo hướng lành mạnh và bền vững. Ông có thể chia sẻ bí quyết này?

Nhiều năm qua, Hiệp hội Bảo hiểm luôn thực hiện tốt vai trò làm cầu nối giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội tổ chức nghề nghiệp có liên quan.

Đối với cơ quan quản lý lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trực tiếp là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, vào đầu mỗi năm Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đều có trao đổi kế hoạch hoạt động trong năm. Qua đó, nắm bắt được những chủ trương, kế hoạch triển khai hoạt động công việc trong năm giữa cơ quan quản lý Nhà nước và phía Hiệp hội, các doanh nghiệp bảo hiểm sao cho đồng bộ, tiết kiệm được thời gian, công sức khi một số hoạt động của cơ quan quản lý và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam được tiến hành cùng địa điểm, thời gian gần nhau.

Đối với cơ quan quản lý về hội, trực tiếp là Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thường xuyên có báo cáo hoạt động bằng văn bản, trong đó nêu rõ đầy đủ các hoạt động trong kỳ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những thuận lợi, hạn chế và những đề xuất với cơ quan quản lý (nếu có) nhằm hoàn thiện hơn các hoạt động của Hiệp hội.

Bên cạnh đó, Hiệp hội bảo hiểm cũng duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị có liên quan khác như: Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (liên quan đến các vấn đề về chính sách thuế đối với doanh nghiệp bảo hiểm), Vụ Pháp chế Bộ Tài chính (liên quan đến các vấn đề về khung khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm); Tòa án nhân dân tối cao (liên quan đến các vấn đề xét xử tại tòa và ban hành án lệ liên quan đến kinh doanh bảo hiểm); Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới), Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Bộ Công an (liên quan đến bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc), Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương (liên quan đến các vấn đề về cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm), Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp), với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI (liên quan đến các chương trình chung của khối doanh nghiệp), trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC (liên quan đến giải quyết tranh chấp bảo hiểm qua phương thức trọng tài), Hiệp hội ôtô vận tải; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới).

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tích cực thể hiện tiếng nói chung của các doanh nghiệp bảo hiểm tới các cơ quan quản lý nhà nước thông qua nhiều hình thức như gặp gỡ làm việc trực tiếp, gửi văn bản, hoặc tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên đề. Các thông tin về chương trình đào tạo, hội thảo, triển lãm hay những thông tin hỗ trợ khác cũng thường được các tổ chức thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để giới thiệu tới các hội viên.

Trong nhiệm kỳ IV, vai trò cầu nối với cơ quan quản lý Nhà nước cũng được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đẩy mạnh hơn, các nội dung thông tin, chỉ đạo điều hành cũng thường được cơ quan quản lý Nhà nước thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để truyền tải tới các hội viên cũng như những ý kiến của doanh nghiệp bảo hiểm hội viên cũng đều được thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổng hợp báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong thời gian tới, Hiệp hội Bảo hiểm sẽ ưu tiên vào những mục tiêu gì?

Trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới, các hội viên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quyết tâm hợp tác, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu đã được Chính phủ chỉ đạo tại Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", bao gồm:

Thứ nhất, phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.

Thứ hai, giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu ở mức tăng bình quân 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025.

Thứ ba, đến năm 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Thứ tư, doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%, đến năm 2025 là 3,5%. Thứ năm, các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân; công nghệ hiện đại được áp dụng trong mọi hoạt động, lĩnh vực của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng tham gia bảo hiểm.