08:57 18/12/2020

Doanh nghiệp bảo hiểm ứng phó Covid-19: "Trong cái khó ló cái khôn"

Nhóm phóng viên

Chia sẻ kinh nghiệm vượt qua đại dịch Covid cũng như cơ hội và thách thức mà thị trường bảo hiểm có thể sẽ đón nhận trong năm 2021

Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. 

Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có giãn cách, cách ly xã hội trong thời gian đầu đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mới cũng như phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm. Mặc dù vậy, với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thị trường bảo hiểm năm 2020 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá ở mức 15%.

Trong diễn đàn này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam ghi lại các ý kiến đến từ ngân hàng, các công ty bảo hiểm, chuyên gia bảo hiểm, về những giải pháp mà các doanh nghiệp đã làm và đã làm thành công trong năm 2020 cũng như chia sẻ cơ hội và thách thức mà thị trường bảo hiểm có thể sẽ đón nhận trong năm 2021.

THU PHÍ DỊCH VỤ BẢO HIỂM SẼ TĂNG SAU DỊCH

Doanh nghiệp bảo hiểm ứng phó Covid-19: "Trong cái khó ló cái khôn" - Ảnh 1Thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và ở giai đoạn phát triển ban đầu. Với những phân tích, dự báo cũng như triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, VietinBank đã chủ động tham gia thị trường bảo hiểm kể cả bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ ngay từ đầu.
Ông Lê Đức Thọ Chủ tịch HĐQT VietinBank

Thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và ở giai đoạn phát triển ban đầu. Với những phân tích, dự báo cũng như triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, VietinBank đã chủ động tham gia thị trường bảo hiểm kể cả bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ ngay từ đầu.

Theo đó, chúng tôi đã xây dựng hệ thống các chính sách để tham gia vào thị trường bảo hiểm theo các quy định của pháp luật cũng như phù hợp với diễn biến và triển vọng thị trường. Đó là VietinBank đã xây dựng được hệ thống các cơ chế, chính sách, đào tạo đội ngũ cán bộ phù hợp và đồng thời thiết lập các đối tác hợp tác theo hướng hợp tác toàn diện và lâu dài để khai thác thị trường bảo hiểm của nước ta.

Việc ký kết hợp tác giữa VietinBank với Manulife mới đây nằm trong kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm, trực tiếp là thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam của chúng tôi. Đây là chương trình hợp tác rất có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động rất lớn trên toàn cầu và Việt Nam.

Hợp tác này nhằm cung cấp cho thị trường tài chính nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng những sản phẩm, dịch vụ và những giải pháp tài chính tối ưu phục vụ các khách hàng là người dân, hộ gia đình, các chủ thể kinh tế ở Việt Nam. Đặc biệt hợp tác này cũng thể hiện tiềm năng, triển vọng phát triển rất lớn của thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi đã cùng nhau thiết lập quan hệ hợp tác dài hạn, thể hiện tầm nhìn chiến lược giữa VietinBank với Manulife trong việc đưa ra những giải pháp tài chính ngân hàng hoàn chỉnh giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và sau khi đại dịch được kiểm soát trên toàn cầu.

VietinBank dự kiến hợp tác này sẽ giúp tăng trưởng về dịch vụ bảo hiểm trong vài năm tới đạt khoảng 30%/năm. Theo đó, tỷ lệ về thu từ phí dịch vụ trong tổng thu của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt riêng về dịch vụ bảo hiểm có thể chiếm khoảng từ 6 - 8% trong các khoản thu dịch vụ với lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

KIÊN TRÌ CHÍNH SÁCH QUẢN TRỊ MINH BẠCH - TĂNG TRƯỞNG

Doanh nghiệp bảo hiểm ứng phó Covid-19: "Trong cái khó ló cái khôn" - Ảnh 2 Chúng tôi không chấp nhận mọi dịch vụ bảo hiểm để có doanh thu nhằm duy trì kinh doanh dù nhiều doanh nghiệp đã làm vậy trong thời kỳ đại dịch Covid-19 kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu. Việc không ngừng cải tiến để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả là bài toán mà Bảo hiểm PVI đã xử lý thành công để vững vàng vị thế doanh nghiệp bảo hiểm có lãi cao nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Ông Dương Thanh Francois Chủ tịch HĐTV Bảo hiểm PVI

Bất chấp khó khăn từ đại dịch Covid-19, Bảo hiểm PVI vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Với kết quả khả quan trong quý III, Bảo hiểm PVI đã vượt kế hoạch năm 2020 về lợi nhuận tính riêng lĩnh vực cốt lõi là kinh doanh bảo hiểm với gần 300 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch cả năm 2020 và tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu thị trường về lợi nhuận.

Tuy nhiên, không phải đến năm 2020, Bảo hiểm PVI mới có sự tăng trưởng ngoạn mục như vậy. Từ giữa năm 2019, khi Bảo hiểm PVI điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận thì chúng tôi cũng đã có những chuyển mình rõ rệt về chính sách và nhân sự. Cụ thể, Bảo hiểm PVI đã có thay đổi mạnh mẽ trong chính sách quản trị, kinh doanh, chính sách thưởng hoàn thành kế hoạch và điều chỉnh nhân sự cấp cao nhằm tạo động lực cho toàn hệ thống. Bảo hiểm PVI cũng tiếp tục duy trì tỷ lệ kết hợp tốt nhất so với các công ty trong ngành bảo hiểm, hiệu quả quản trị cao hơn và giảm tỷ lệ bồi thường trên cơ sở đánh giá, lựa chọn rủi ro.

Kết thúc năm 2019, tổng doanh thu của Bảo hiểm PVI đạt trên 9.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế hoàn thành 133% kế hoạch được giao đầu năm. Lợi nhuận này sau đó được trích một phần để khen thưởng thích đáng cho đội ngũ điều hành và người lao động. Lợi nhuận sau khi trích khen thưởng vẫn tăng trưởng 37% so với tổng lợi nhuận năm 2018; tính riêng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chúng tôi đã đạt 234 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2018 (113 tỷ đồng).

Lợi nhuận vượt trội, kết quả kinh doanh tốt giai đoạn vừa qua của Bảo hiểm PVI đã mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Dịch vụ khách hàng trước và sau bán hàng tốt hơn do được tái đầu tư, tăng khoản nộp cho ngân sách nhà nước; góp phần quan trọng để công ty mẹ PVI chi trả cổ tức cao hơn, thu nhập (bao gồm lương và thưởng) của đội ngũ điều hành và người lao động cũng tăng đáng kể so với các năm trước đó, xứng đáng với đóng góp nỗ lực của cả tập thể và từng cá nhân.

Có thể nói, thành công của năm 2020 chính là tiếp nối của những bước đi vững chắc năm 2019. Chúng tôi không chấp nhận mọi dịch vụ bảo hiểm để có doanh thu nhằm duy trì kinh doanh dù nhiều doanh nghiệp đã làm vậy trong thời kỳ đại dịch Covid-19 kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu. Việc không ngừng cải tiến để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả là bài toán mà Bảo hiểm PVI đã xử lý thành công để vững vàng vị thế doanh nghiệp bảo hiểm có lãi cao nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Kiên trì chính sách quản trị minh bạch – tăng trưởng gắn liền với hiệu quả, 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI đạt 570 tỷ đồng (bằng tổng kế hoạch lợi nhuận được giao của cả năm 2019). Trong đó lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi và quan trọng nhất là kinh doanh bảo hiểm đạt gần 300 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch cả năm 2020.

Về dài hạn, Bảo hiểm PVI xác định sẽ kiên định chiến lược tăng trưởng gắn liền với hiệu quả, minh bạch hơn nữa trong công tác quản trị và tạo động lực hơn nữa trong công tác kinh doanh. Những chính sách, biện pháp quản lý kinh doanh có hiệu quả rõ rệt sẽ được nhân rộng và cải tiến.

Mục tiêu năm 2020 là tổng doanh thu vượt 9.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng. Từ đó, doanh nghiệp duy trì vị trí hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại và công nghiệp, tiếp tục gia tăng thị phần trên thị trường Việt Nam, xây dựng để trở thành một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu của Đông Nam Á.

MỘT NĂM THỬ THÁCH VÀ CƠ HỘI SONG HÀNH

Doanh nghiệp bảo hiểm ứng phó Covid-19: "Trong cái khó ló cái khôn" - Ảnh 3Người Việt hay nói “trong cái rủi có cái may”, tôi thấy thật đúng trong trường hợp này khi phần lớn các thử thách đã được các doanh nghiệp biến thành cơ hội. Covid-19 đã buộc ngành bảo hiểm phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng. 
Bà Tina Nguyễn Tổng Giám đốc Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề. Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam may mắn chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chủ yếu do dịch bệnh khiến người dân quan tâm hơn đến sức khỏe và bảo hiểm, đồng thời cũng nhờ vào sự thích ứng rất nhanh chóng của các doanh nghiệp bảo hiểm trước những thử thách mới.

Người Việt hay nói "trong cái rủi có cái may", tôi thấy thật đúng trong trường hợp này khi phần lớn các thử thách đã được các doanh nghiệp biến thành cơ hội. Covid-19 đã buộc ngành bảo hiểm phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng. Thay đổi tích cực nhất phải kể đến là việc đẩy nhanh tiến độ công nghệ hóa, số hóa và thay đổi cách vận hành kinh doanh. Chẳng hạn như các giao dịch với khách hàng, công tác hỗ trợ, quản lý, huấn luyện cho đội ngũ bán hàng... giờ đều đã có thể được thực hiện trực tuyến. Phần lớn nhân viên đều có thể làm việc từ nhà... Đây cũng là thời điểm tốt để thúc đẩy sự phát triển của các kênh phân phối mới như kênh trực tuyến.

Tại Generali Việt Nam, chiến lược kinh doanh và kế hoạch ứng phó của chúng tôi tập trung vào 3 mảng chính. Thứ nhất là đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động kinh doanh, tránh lãng phí và tối đa hóa hiệu quả của công nghệ, số hóa trong mọi lãnh vực. Thứ hai là tăng cường hỗ trợ hiệu quả cho đội ngũ tư vấn viên qua việc cung cấp cho họ những công cụ làm việc hiện đại, hiệu quả, tăng cường huấn luyện và nâng cao kỹ năng của họ, nâng cao hình ảnh của người tư vấn viên bảo hiểm trong xã hội. Thứ ba và quan trọng nhất, đó là đầu tư vào mối quan hệ với khách hàng. Mối quan hệ này càng bền chặt thì khả năng khách hàng duy trì đóng phí và mua thêm càng cao, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang rất khó lường như hiện nay.

Về kết quả kinh doanh, 2020 là một năm thử thách và cơ hội song hành đối với Generali Việt Nam. Đối mặt với bất kỳ khó khăn nào, chúng tôi cũng luôn suy tính làm thế nào để giải quyết vấn đề nhưng đồng thời cũng khai thác tối đa những mặt tích cực. Các giải pháp đều phải được thực hiện nhanh chóng, nhưng đồng thời phải tính đến yếu tố hiệu quả lâu dài.

Với chiến lược ứng phó linh hoạt cùng nỗ lực không ngừng của cả một tập thể rất đoàn kết, chúng tôi đã làm được khá nhiều việc trong năm nay. Các quy trình vận hành, dịch vụ của công ty hầu hết đã được số hóa hiệu quả. Tất cả các kênh phân phối đều có tăng trưởng cao. Những cam kết và nỗ lực không ngừng của Generali trong việc tăng cường trải nghiệm khách hàng đã được đền đáp xứng đáng khi chỉ số đo lường mức độ hài lòng toàn phần của khách hàng (R-NPS) tăng liên tục và đã vươn lên dẫn đầu thị trường trong quý III vừa qua.

Với đội ngũ nhân viên và tư vấn viên, ngay từ những ngày đầu tiên của đại dịch, Generali đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, ban hành chính sách hỗ trợ tài chính đặc biệt cho những trường hợp nhân viên, tư vấn viên không may nhiễm Covid-19. Khi nhân sự của khá nhiều công ty không may chịu thiệt hại bởi đại dịch, Generali Việt Nam vẫn đảm bảo duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho nhân viên, một số phúc lợi của nhân viên không bị cắt giảm mà còn được tăng lên như bảo hiểm sức khỏe cho người thân, kinh phí cho các hoạt động gắn kết... Các nỗ lực này đã góp phần giúp Generali Việt Nam vinh dự trở thành "Top 10 doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc" (Anphabe).

Năm 2020 là một năm khắc nghiệt về kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Chính vì thế, Generali đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng với nhiều chương trình được xây dựng công phu, sáng tạo mang lại nhiều tác động tích cực và lâu dài. Nổi bật là chương trình giáo dục cộng đồng về làm cha mẹ "Sinh con, sinh cha", kế hoạch cứu trợ toàn diện "Sát cánh bên miền Trung", chương trình trao học bổng "Cùng em đến trường" và các hoạt động quyên góp hỗ trợ phòng chống dịch khác. Chúng tôi vinh dự được vinh danh "Doanh nghiệp vì cộng đồng - Saigon Times CSR 2020" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn trao tặng - tôn vinh các doanh nghiệp có những hoạt động cộng đồng nổi bật trong năm 2020.

Năm 2021, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên đời sống kinh tế - xã hội, cũng như ngành bảo hiểm. Cho dù đã có vắc-xin phòng Covid, nhưng thử thách phía trước vẫn khó lường. Tuy nhiên, với những bài học kinh nghiệm từ việc ứng phó tốt với các đợt bùng phát Covid-19 và khả năng thích ứng với trạng thái bình thường mới của ngành bảo hiểm, cùng với những nỗ lực tuyệt vời từ Chính phủ và người dân Việt Nam, tôi cảm thấy lạc quan về tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm trong năm tới.

Tiếp nối một năm 2020 với những thách thức chưa từng có tiền lệ, năm 2021 sẽ là một năm của những "thời cơ" để ngành bảo hiểm đẩy mạnh sự thích ứng với trạng thái bình thường mới và nhìn ở phương diện tích cực, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy nhiều phát triển đột phá trên thị trường bảo hiểm về sản phẩm, kênh phân phối, dịch vụ khách hàng, và ứng dụng công nghệ số, nhằm giúp các doanh nghiệp, trong đó có Generali Việt Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ sức khỏe ngày càng nâng cao hơn của người dân, mang đến những trải nghiệm tối ưu và duy trì sự tăng trưởng bền vững của ngành bảo hiểm.

VƯỢT THÁCH THỨC VÀ NẮM BẮT CƠ HỘI

Doanh nghiệp bảo hiểm ứng phó Covid-19: "Trong cái khó ló cái khôn" - Ảnh 4Trong cái khó đã ló ra cái khôn, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tìm cách vượt qua những thách thức để nắm bắt những cơ hội mới. Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã thiết kế chương trình làm việc tại nhà, đào tạo nhân viên và đại lý trực tuyến, họp trực tuyến, thu phí bảo hiểm qua ngân hàng, ví điện tử, xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng, tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến...
Ông Phùng Đắc Lộc, Chuyên gia bảo hiểm 

Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực ít nhiều đến ngành bảo hiểm. Trước hết là thực hiện Chỉ thị 15 hạn chế tập trung đông người, dừng hoạt động cung cấp dịch vụ hàng hoá không thiết yếu hay Chỉ thỉ 16 cách ly toàn xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bị hạn chế trong tiếp xúc khách hàng cá nhân, trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo bán hàng, trong việc áp dụng các hình thức thưởng du lịch trong và ngoài nước để động viện đại lý có thành tích xuất sắc nên đã tác động đến giảm sút doanh thu, điển hình là kết quả kinh doanh tháng 4 và tháng 7 của hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giảm đến 50-60% so với cùng kì năm trước và so với tháng trước.

Tương tự, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng bị ảnh hưởng lớn khi giao tiếp với khách hàng bị hạn chế theo Chỉ thị 15 và 16 đối với khách hàng cá nhân. Ngoài ra nhu cầu bảo hiểm cũng giảm khi một loạt hoạt động kinh tế bị giảm sút trong lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa, xây dựng và nhiều ngành nghề khác... doanh nghiệp bảo hiểm lo ngại dịch bùng phát sẽ làm cho số tiền chi trả cho điều trị và tử vong vì Covid 19 sẽ tăng đột biến nếu chúng ta không khống chế được dịch.

Trong cái khó đã ló ra cái khôn, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tìm cách vượt qua những thách thức để nắm bắt những cơ hội mới. Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã thiết kế chương trình làm việc tại nhà, đào tạo nhân viên và đại lý trực tuyến, họp trực tuyến, thu phí bảo hiểm qua ngân hàng, ví điện tử, xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng, tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến...

Các doanh nghiệp bảo hiểm tranh thủ thông báo tới khách hàng nếu bị mắc Covid-19 mọi quyền lợi bảo hiểm vẫn được chi trả vì không thuộc loại trừ bảo hiểm. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp bảo hiểm còn thông báo cho khách hàng của mình thuộc diện cách ly, điều trị Covid nếu gặp khó khăn sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho vay ưu đãi tự giá trị hoàn lại trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tạo dựng lòng tin khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chung tay với cộng đồng tài trợ khẩu trang, nước kháng khuẩn, thiết bị y tế cho đội tuyến đầu và nhân dân vùng dịch để tăng thêm hình ảnh uy tín thương hiệu. Ngoài ra, trong thời gian đó, nhiều cơn bão dồn dập đổ vào miền trung gây thiệt hại lớn cũng làm tăng thêm chi phí chi trả bảo hiểm và nhu cầu bảo hiểm.

Nhờ những nỗ lực trên tính đến thời điểm này, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 184.662 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kì, trong đó bảo hiểm nhân thọ đạt doanh thu phí 127.560 tỷ đồng, tăng 19%; bảo hiểm phi nhân thọ đạt doanh thu phí 57.102 tỷ đồng.

Năm 2021, những yếu tố được xem là thuận lợi cho thị trường bảo hiểm như: tình hình phòng chống Covid-19 có nhiều tích cực khả quan, hy vọng đến cuối năm 2021 sẽ sản xuất và tiêm chủng đủ vắcxin trên toàn thế giới. Thương mại, vận tải, du lịch, đầu tư trên thế giới sẽ từng bước được khôi phục trở lại bình thường như trước khi xảy ra Covid-19 sẽ tạo đà cho Việt Nam phát triển. Riêng Việt Nam là nước thành công trong khống chế Covid, là một trong ít nước trên thế giới có tăng trưởng GDP trong 2019 tạo đà cho 2021 phát triển hơn nữa Việt Nam cũng đã thử nghiệm vắcxin Covid trên người góp phần khống chế đẩy lùi Covid-19.

Năm 2021 Đại hội Đảng lần thứ 13 thành công tạo ra nhiều nguồn lực mới cho Việt Nam phát triển. Đồng thời các doanh nghiệp bảo hiểm đã thấy được sự cần thiết, lợi ích, năng lực của mình để đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ số vào kinh doanh bảo hiểm từ sản phẩm, kênh phân phối, bán bảo hiểm, thu phí, chăm sóc khách hàng, giải quyết quyền lợi bảo hiểm đào tạo, hội họp... đến marketing, xây dựng thương hiệu, quản lý...

Dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam tăng cũng làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm. Ngoài ra, việc bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng sẽ được đẩy mạnh với sự có mặt của các ngân hàng thương mại lớn như: Vietcombank-FWD, Vietinbank-Manulife...

Trên cơ sở đó, dự báo bảo hiểm nhân thọ ước đạt doanh thu 70.000 tỉ đồng tăng 15%, nhân thọ ước đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 22%.