11:30 27/10/2011

“Thiên đường” nhân lực giá rẻ Trung Quốc lung lay

Hồng Ngọc

21/31 tỉnh thành của Trung Quốc đã tăng mức lương tối thiểu của người dân lên 21,7% so với quý trước

Một nữ công nhân Trung Quốc đang kiểm tra chất lượng bảng mạch trong nhà máy của Foxconn ở thành phố Thâm Quyến - Ảnh: BLB.
Một nữ công nhân Trung Quốc đang kiểm tra chất lượng bảng mạch trong nhà máy của Foxconn ở thành phố Thâm Quyến - Ảnh: BLB.
Tính tới cuối tháng 9 vừa qua, 21/31 tỉnh thành của Trung Quốc đã tăng mức lương tối thiểu của người dân lên 21,7% so với quý trước, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc xác nhận.

Trong đó, Thâm Quyến dẫn đầu với mức lương tối thiểu cao nhất, 1.320 Nhân dân tệ/tháng (207 USD), Bắc Kinh dẫn đầu với lương tối thiểu trả theo giờ cao nhất, với 13 Nhân dân tệ (2 USD) trên mỗi giờ làm việc.

Tạp chí Financial Times cho rằng, việc tăng lương tối thiểu ở Trung Quốc là phù hợp với nỗ lực tăng sức mua và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế phản bác lại rằng, giá nhân công tăng cao sẽ khiến khả năng kiếm việc làm khó hơn.

Còn theo hãng tin BBC, Trung Quốc có thể mất đi tính cạnh tranh với tư cách một trung tâm sản xuất hàng giá rẻ. Bởi giá nhân công tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đắt lên, chứ không còn rẻ như trước nữa.

Tập đoàn tư vấn tài chính KPMG cho hay, lương tối thiểu ở Trung Quốc hiện cao hơn các nền kinh tế khác ở Nam Á và Đông Nam Á tới bốn lần.

Kết quả nghiên cứu của KPMG cho thấy, Indonesia và Bangladesh sẽ có lợi khi giá lao động ở Trung Quốc tăng lên. Lý do là, khi ấy, các công ty nước ngoài sẽ buộc phải rời bỏ Trung Quốc để đi tìm thị trường mới.

Tập đoàn tư vấn tài chính này nhận định rằng, Trung Quốc có thể kéo lại bằng hiệu quả lao động và hệ thống cơ sở hạ tầng. Hiện, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang thống trị trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử và đồ gỗ.

Tuy nhiên, theo một bài báo hồi giữa năm nay của tạp chí Times, sản xuất đồ chơi, cùng với giày dép và dệt may, là những ngành công nghiệp của Trung Quốc nổi tiếng với nguồn nhân lực giá rẻ và đáng tin cậy.

Đó là những ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân công, với công nghệ thấp, là những ngành công nghiệp mà các nhà kinh tế cho rằng một khi nó rời đi, nó sẽ rời đi mãi mãi.

Trong số ra ngày 7/6/2010, tờ The Economic Observer bình luận rằng, thị trường lao động Trung Quốc đã ở vào "bước ngoặt Lewis".

Theo nhà kinh tế Arthur Lewis, khu vực tư bản phát triển nhờ lấy lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp còn lạc hậu. Khi không còn được khu vực nông nghiệp cung cấp thêm lao động thì lương trong khu vực công nghiệp bắt đầu tăng nhanh.

Chẳng những thế, thế hệ lao động mới đòi hỏi nhiều hơn và có tham vọng lớn hơn thế hệ cha mẹ họ, vì họ có năng suất cao hơn nhờ được đào tạo tốt hơn. Họ muốn được trả lương cao và cảm thấy bất mãn khi phải làm những công việc quá đơn điệu.

Và đây chính là cơ sở quan trọng để nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời của lao động giá rẻ đã qua và nền sản xuất giá rẻ ở Trung Quốc cũng sẽ kết thúc trong nay mai.