10:00 05/12/2007

Thiếu trầm trọng mặt bằng bán lẻ

Thiên Lam

Việc chuẩn bị mở cửa thị trường bán lẻ vào năm 2009 sẽ đòi hỏi một lượng lớn mặt bằng cho các nhà bán lẻ trong và ngoài nước

KFC, một trong những thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng thế giới đã tới Việt Nam.
KFC, một trong những thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng thế giới đã tới Việt Nam.
Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển như nhu cầu tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, du lịch phát triển, nhượng quyền thương hiệu tăng, nhưng mặt bằng để phát triển thị trường này lại còn rất thiếu.

Sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây và việc Việt Nam gia nhập WTO đã thu hút nhiều nhà bán lẻ quốc tế gia nhập thị trường. Một yếu tố quan trọng nhất khiến cho các nhà bán lẻ lạc quan về thị trường Việt Nam đó là 70% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng tăng, cùng với nhu cầu ngày càng đa dạng.

Ở khu vực thành thị, số lượng gia đình có thu nhập khoảng 600 - 1.000 USD/tháng đang tăng lên nhanh chóng. Thu nhập tăng và văn hóa tiêu dùng mới là những yếu tố thúc đẩy chỉ tiêu tiêu dùng tăng 20% hàng năm. Năm 2000, chỉ tiêu bán lẻ ở Việt Nam là 15 tỷ USD, nhưng năm 2006, con số này tăng lên 36 tỷ USD và dự đoán tăng 50 tỷ USD vào năm 2010.

Cầu vượt quá cung

Hiện nay Việt Nam đang thiếu không gian cho mục đích bán lẻ và nhu cầu đã vượt quá cung. Hầu hết các vị trí cho thị trường bán lẻ hiện tại không đạt tiêu chuẩn quốc tế và để có được một vị trí chắc chắn, nhiều nhà bán lẻ quốc tế đã phải chọn cách tân trang lại các cửa hàng bán lẻ để đạt được không gian tốt hơn.

Việc mua sắm truyền thống vẫn là nền tảng của thị trường bán lẻ, với 90% hàng hóa được giao dịch thông qua chợ truyền thống và các cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, xu thế này hiện đang thay đổi. Năm 1995, cả nước có khoảng 10 siêu thị và 2 trung tâm mua sắm, đến năm 2007 cả nước có ít nhất 140 siêu thị, 20 trung tâm mua sắm và gần 1 triệu m2 không gian cho bán lẻ đang được xây dựng

Tại Tp.HCM có 13 trung tâm mua sắm với diện tích khoảng 140.000 m2. Tỷ lệ sử dụng là khoảng 99%. Hà Nội có khoảng 100.000 m2 cho bán lẻ ở 6 trung tâm mua sắm với tỷ lệ sử dụng cũng ở mức 99%. Dự báo cuối năm 2011, Tp.HCM có khoảng 350.000 m2 cho mục đích bán lẻ và Hà Nội có khoảng 380.000 m2 đang được xây dựng.

Trong khi số lượng các trung tâm mua sắm trung bình còn khá ít, những dự án khác còn đang phát triển như trung tâm Ciputra Mall ở Hà Nội với diện tích 130.000 m2 được hoàn thành vào năm 2010. Nhiều dự án được phát triển ở ngoài trung tâm thành phố nơi các khu đô thị mới xuất hiện và việc có đất cho những dự án ở qui mô như thế này cũng dễ hơn.

Theo ông Rik Mekkelholt, Giám đốc Tư vấn bán lẻ của Công ty CBRE Việt Nam, do sự mất cân đối về cung cầu trên thị trường bán lẻ nên giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tiếp tục tăng. Trong khi một làn sóng các dự án đang được triển khai sẽ giải tỏa nhu cầu, việc chuẩn bị mở cửa thị trường bán lẻ vào năm 2009 sẽ đòi hỏi một lượng lớn mặt bằng cho các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.

Kể từ năm 2002 đến cuối quý 3/2007, giá thuê trung bình cho mặt bằng bán lẻ là 40 USD/tháng, trong khi đó mặt bằng cho thuê ở những vị trí trung tâm, giá thuê lên tới 200 USD/tháng.

Cuộc cách mạng bán l

Khách quốc tế là yếu tố chính đóng góp vào sự phát triển của thị trường bán lẻ ở châu Á với sự cạnh tranh của các thị trường với các chương trình như “Lễ hội mua sắm ở Hồng Kông” và “Mùa bán hàng lớn ở Singapore”. Mặc dù số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng, nhưng lượng khách chi tiêu tại Vịêt Nam thấp hơn so với các điểm mua sắm ở Bangkok và Singapore.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2005, khách lẻ mua sắm ở mức 76 USD một ngày, khách đoàn đi theo tour tiêu 36 USD một ngày, trong khi đó khách du lịch tiêu ở thị trường Thái Lan và Singapore là khoảng 1.200 - 2.000 USD/ngày. Đây rõ ràng là tiềm năng cho sự tăng chi tiêu của khách du lịch khi thị trường bán lẻ có nhiều sự lựa chọn.

Trong năm 2006, Việt Nam thu hút 3,6 triệu khách quốc tế và hi vọng sẽ thu hút khoảng 6 triệu khách quốc tế vào năm 2010. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hy vọng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 4,6 tỷ USD vào năm 2010.

Hiện nay có khoảng 10 hệ thống nhượng quyền (franchising) đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó có một vài thương hiệu lớn như Phở 24. Phở 24 bắt đầu hoạt động từ năm 2003 và hiện nay có khoảng 50 cửa hàng trên cả nước, cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường này. Nói cách khác xu thế cạnh tranh của các nhà bán lẻ Việt Nam hiện nay rất rõ ràng. Ví dụ như Highland Coffee hiện nay có 52 cửa hàng cà phê và dự kiến hết năm 2007 có 70 cửa hàng.

Mặc dù một số thương hiệu hàng ăn nhanh nổi tiếng đã đến Việt Nam tiền trạm, một số thương hiệu khác như KFC, Lotteria và Jollibee đã bắt đầu thay đổi thói quen ăn uống của người Việt. Gần đây nhất thương hiệu café Gloria Jeans và Pizza Hut đã đến Việt Nam.

KFC đến Việt Nam năm 1997 và hiện nay có 38 cửa hàng trong đó 32 cửa hàng đặt tại Tp.HCM và dự kiến KFC có 100 cửa hàng trong vòng 3 năm tới. Gần đây Pizza Hut đã mở 2 cửa hàng tại Tp.HCM và dự kiến đến năm 2010 có 20 cửa hàng. Điều này thể hiện sự quan tâm của các hãng nhượng quyền trong nước và quốc tế với Việt Nam ngày càng tăng và chính phủ cũng đang xem xét các qui định về nhượng quyền thương mại.

Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng nhất trên thế giới do qui mô thị trường, việc gia nhập WTO, tăng trưởng kinh tế bền vững, thu nhập tăng. Những xu hướng này chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới khi FDI tăng, đô thị hóa tiếp tục tăng và chính phủ thực hiện các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Tất cả những yếu tố đó là cơ sở vững chắc để lạc quan về thị trường bán lẻ Việt Nam. Vào năm 2011, 69% dân số Việt Nam ở độ tuổi 15 đến 64 và môi trường bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển ở độ chín muồi, thúc đẩy cuộc cách mạng bán lẻ đang diễn ra ở Việt Nam.