12:13 26/09/2008

“Thiếu trước hụt sau” nhân lực cao cấp

Đinh Tịnh - Phong Lan

Thị trường nhân sự cấp cao của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng trầm trọng

Mỗi năm Việt Nam có 1,2 triệu người đến tuổi lao động và được bổ sung vào lực lượng lao động.
Mỗi năm Việt Nam có 1,2 triệu người đến tuổi lao động và được bổ sung vào lực lượng lao động.
Chủ tịch Tập đoàn Kinder World, ông Tan Teck Yong Ricky, từng đưa ra nhận xét: “Có một nghịch lý đang tồn tại: dù có hơn 85 triệu dân và số người biết chữ đạt tỷ lệ cao trên thế giới, Việt Nam vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài về nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Thực tế hiện nay cho thấy, nguồn nhân sự cấp cao ngày càng thiếu trầm trọng. Theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại 63.000 doanh nghiệp ở 36 tỉnh, thành phố trên cả nước, có tới 1/3 lãnh đạo các doanh nghiệp có trình độ học vấn dưới đại học. Mỗi năm Việt Nam có 1,2 triệu người đến tuổi lao động và được bổ sung vào lực lượng lao động.

Tăng chất lượng nguồn nhân lực

Các nhà tuyển dụng cho rằng: tuy lượng tăng, nhưng chất lượng lao động không tăng. Đặc biệt thị trường nhân sự cấp cao của Việt Nam đang đứng trước một nguy cơ khủng hoảng trầm trọng vì không đủ khả năng bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể tham gia quản lý tại nước ta cũng mới chỉ đáp ứng khoảng gần 40% nhu cầu về lượng.

TS. Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Tập đoàn Technocom tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vincom phản ánh: khó khăn lớn nhất khiến cả cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng hiện nay là các doanh nghiệp không thể tuyển được người giỏi, không thể tuyển được lao động có chất xám vì... không có để mà tuyển. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã đưa ra mức lương sau thuế rất cao, cùng hàng loạt các ưu đãi, phúc lợi để chiêu dụ nhân tài song cũng không hẳn đã tìm được người.

Chính vì thế những nhân sự cấp cao trở thành “của hiếm”, được các doanh nghiệp dùng mọi cách để chiêu dụ. Điều này gây nên hệ lụy là tình trạng lao động nhảy việc ngày càng phổ biến, và trong cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài, các doanh nghiệp Việt Nam luôn tỏ ra yếu thế và bế tắc khi so sánh với điều kiện đãi ngộ cũng như văn hóa lãnh đạo tại các doanh nghiệp nước ngoài.

TS. Hiệp tỏ mối lo ngại: cuộc khủng hoảng về nhân sự sẽ làm giảm tốc độ phát triển, hội nhập và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, rất có thể dẫn đến tình trạng suy thoái mang tính dây chuyền.

Doanh nghiệp còn thờ ơ với đào tạo

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, ngoài sự thiếu và yếu của thị trường cung ứng nguồn nhân lực cấp cao, còn có nguyên nhân từ phía các doanh nghiệp khi chưa xem công tác nhân sự là công tác chiến lược. Ông Tan Teck Yong Ricky nói. “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ qua việc hoạch định phát triển nguồn nhân lực dài hạn. Đa phần rơi vào tình thế bị động: chỉ tuyển người khi cần”.

Đồng quan điểm này, TS Lê Khắc Hiệp phân tích: đối với hoạt động của một doanh nghiệp, ngoài yếu tố vốn, chiến lược kinh doanh thì phát triển nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng và đáng quan tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty TNHH, công ty cổ phần tại Việt Nam chưa chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, mà cứ thực tế phát sinh đến đâu thì tuyển dụng đến đó. Rất ít công ty thực hiện quy hoạch cán bộ trước và tổ chức khâu chuẩn bị hình thành đội ngũ cán bộ trong tương lai thông qua tuyển dụng và đào tạo. Hoặc nếu có thì việc thực hiện cũng sơ sài, không đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể về năng lực cá nhân và tập thể để hướng tới mục tiêu dài hạn mà doanh nghiệp đã xây dựng...

TS. Lê Khắc Hiệp cho rằng: để có được đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, doanh nghiệp cần coi đào tạo là quyền lợi và trách nhiệm của cả người lao động và chủ sử dụng.

Đề cập đến chiến lược đổi mới đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận: hiện nay nhân lực các ngành sản xuất cần công nghệ tiên tiến, những ngành có liên quan đến luật pháp quốc tế, quản lý doanh nghiệp, thương mại... đang thiếu hụt lớn.

Phó thủ tướng cho biết: đào tạo nhân lực có kỹ năng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ chất lượng cao.

Trong năm 2008, bên cạnh hoàn thiện các công cụ và thể chế thị trường lao động (thành lập các trung tâm thông tin quốc gia về thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực; hỗ trợ và cung ứng nhân lực, ngân hàng việc làm...), đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo, Bộ cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực thông qua các cơ chế tài chính: miễn giảm thuế, ưu tiên điều phối nguồn lực tài chính đào tạo các dự án đào tạo có hợp đồng đào tạo và có việc làm, cho vay ưu đãi để triển khai đào tạo theo đặt hàng của các ngành, công ty lớn qua liên kết 3 bên (cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước).