06:00 15/07/2012

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Nói dễ, làm khó?

Nguyên Thảo

Yêu cầu thoái vốn đầu tư "tay trái" của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có được thực hiện nghiêm?

Petro Vietnam đã đưa ra thông tin “xin” không thoái vốn hết tại Tổng công Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) và tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI).
Petro Vietnam đã đưa ra thông tin “xin” không thoái vốn hết tại Tổng công Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) và tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI).
Ngày 9/7 vừa qua, tại Nghị quyết số 26/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 6/2012, Chính phủ yêu cầu từ nay đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên yêu cầu này được đưa ra.

Vào cuối năm 2011, tại báo cáo về thực trạng hoạt động của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2011 – 2015 gửi tới Quốc hội, Chính phủ cũng đã nêu rõ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu có trách nhiệm hoàn thành việc thoái vốn đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán…trước ngày 31/12/2015.

Bản báo cáo này cũng cho biết, phần vốn đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2010 tăng gần gấp đôi năm trước với 21.814 tỷ đồng (năm 2009 là 14.991 tỷ đồng).

Mới đây, tại đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ Tài chính đã nhìn nhận một trong những hạn chế, yếu kém của khu vực này là đã đầu tư vào công ty chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, quỹ đầu tư, bất động sản với số tiền không nhỏ, nhưng hiệu quả đầu tư không cao hoặc không có hiệu quả. Trong khi nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh chính lại đang thiếu.

Bởi vậy, phần giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bản đề án đã nêu rõ yêu cầu chấm dứt tình trạng các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính trước 2015. Nghiêm cấm các tập đoàn, tổng công ty phi tài chính đầu tư vào những ngành nghề ngoài lĩnh vực chính có rủi ro cao như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản.

Nhưng, xem ra, từ quyết tâm đến hiện thực vẫn còn khoảng cách không hề nhỏ, đặc biệt với thời hạn chót là ngày cuối cùng của năm 2015.

Ở báo cáo chuyên đề về tái cơ cấu mới đây, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết lộ trình thoái vốn ngoài ngành chính từ 2012 – 2015 được thực hiện 100% với 43 công ty, thoái một phần vốn ở 12 công ty. Tổng số vốn dự kiến thu hồi 2.528 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ 2016 - 2020, VRG tiếp tục thoái vốn để giảm vốn tập đoàn 8 công ty với số vốn dự kiến thu hồi 1.743 tỷ đồng.

Tập đoàn này còn đề nghị “bổ sung ngành đầu tư khu công nghiệp là ngành kinh doanh chính”. Trong khi tình hình ở 13 khu công nghiệp do doanh nghiệp này đầu tư là: 3 khu đã cho thuê trên 80% diện tích, 5 khu cho thuê bình quân 20% diện tích còn 5 khu vừa xong các thủ tục chuẩn bị đầu tư, mới bắt đầu hoạt động chính thức từ năm ngoái.

Với Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) thì rất trùng hợp, đúng ngày Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu các “ông lớn” thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì doanh nghiệp này đã đưa ra thông tin “xin” không thoái vốn hết tại Tổng công Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) và tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI).

Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại báo cáo chuyên đề về tái cơ cấu mới đây cũng thể hiện quyết tâm sẽ không tham gia đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. “EVN sẽ thực hiện việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đã đầu tư khoảng 1.102 tỷ đồng trong các lĩnh vực này, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, thực  hiện từ nay đến năm 2015”.

Thế nhưng, vào tháng 12/2011, kết quả được công bố từ  Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của Tập đoàn này cho thấy, EVN đã đầu tư trên 2.100 tỷ đồng vào các lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành kinh doanh chính như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng... chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu. Vậy khoản chênh lệch khoảng 1.000 tỷ đồng này thực hư thế nào?

Ngoài các “ông lớn” mà hiệu quả hoạt động đang có hàng loạt “vấn đề” thì ngay ở những doanh nghiệp nhà nước đang được đánh giá là hiệu quả hoạt động cao việc thoái vốn đầu tư “tay trái” cũng không hề đơn giản.

Trong cuộc trao đổi với VnEconomy cách đây chỉ một tuần, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) Trần Văn Bắc khẳng định rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, công ty nào tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, không đầu tư tràn lan, thì đều vững vàng.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng đã được Satra bắt tay vào thực hiện từ đầu năm 2011, song vẫn chậm bởi khá nhiều vướng mắc. Như, giá trị đầu tư tài chính trước đây của tổng công ty cao hơn giá thị trường hiện tại, nhất là cổ phiếu của ngân hàng, công ty chứng khoán… nên chuyển nhượng sẽ bị lỗ, không bảo toàn vốn theo quy định.

Mặt khác, tình hình thị trường chứng khoán trong thời gian dài có những biến động bất lợi cho việc thoái vốn nên tìm kiếm các nhà đầu tư để chuyển nhượng với số lượng lớn là không khả thi. Chưa kể một số doanh nghiệp chưa quyết toán xong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước nên chưa được thoái vốn…

Quyết tâm thực hiện yêu cầu của Chính phủ đã là điều không dễ, bắt tay thực hiện lại càng khó, liệu việc thoái vốn đầu tư “tay trái” của doanh nghiệp nhà nước có rơi vào tình trạng dễ làm, khó bỏ?