Thống nhất tiêu chuẩn thương mại số trong khu vực: Cần sự sẵn lòng của chính phủ các nước
Cần có tiêu chuẩn quốc tế chung, thống nhất về thương mại số để một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh từ nước này sang nước khác không cần phải điều chỉnh phương pháp, mô hình hay thực tiễn kinh doanh…
Tại hội thảo quốc tế "Tiêu chuẩn thương mại số thúc đẩy kinh tế số trong ASEAN" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 15/12, tại Hà Nội, bà Christine, Chủ tịch Liên minh các ngành Công nghiệp Dịch vụ cho rằng việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế một cách thống nhất để đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển thương mại số là rất cần thiết.
CÁC QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN THƯƠNG MẠI SỐ CÒN PHÂN MẢNH
Tháng 4 năm 2020, ASEAN đã thành lập Nhóm công tác về tiêu chuẩn thương mại số (DTSCWG) trực thuộc Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ), nhằm mục đích thúc đẩy hài hòa hóa, tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp của thương mại số trong ASEAN.
Việt Nam là nước chủ trì thực hiện một trong các sáng kiến thuộc Chương trình làm việc của Nhóm công tác về tiêu chuẩn thương mại số về tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân để thúc đẩy phát triển và tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ cho các ngành và doanh nghiệp.
Báo cáo kinh tế khu vực Đông Nam Á 2022 của Google, Temasek & Bain cho thấy, tổng số người dùng internet của ASEAN đã tăng khoảng 20 triệu người, lên mức 460 triệu người năm 2022. Quy mô nền kinh tế internet của ASEAN dự kiến tăng khoảng 20% đạt mức 194 tỷ USD năm 2022, tăng gần gấp đôi chỉ trong khoảng thời gian 3 năm từ 2019-2022.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Christine, Chủ tịch Liên minh các ngành Công nghiệp Dịch vụ nhận định, thực tế hiện nay các quy định tiêu chuẩn thương mại số còn phân mảnh, chưa tập trung nên các công ty về logistics, tài chính, dịch vụ đều gặp nhiều khó khăn do phải đáp ứng quá nhiều tiêu chuẩn khác nhau ở nhiều quốc gia.
Mặt khác, ông Nigel Chin, Cố vấn cao cấp tại Văn phòng cố vấn chung ADB cho rằng hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu các tiêu chuẩn cũng như giao thức cho phép khả năng tương tác và còn thiếu các quy định luật pháp để số hoá thương mại.
Chính vì vậy, theo bà Christine, việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế một cách thống nhất để đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển thương mại số là rất cần thiết. Có tiêu chuẩn chung cho các quốc gia thực hiện sẽ tránh sự không thừa nhận giữa các quốc gia khác nhau.
“Không nhất thiết mỗi quốc gia phải xây dựng một tiêu chuẩn vì như vậy sẽ không hiệu quả khi thương mại hoá toàn cầu”, bà Christine nhấn mạnh.
“Chúng ta cần có tiêu chuẩn quốc tế chung về thương mại số. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào sự sẵn lòng và cởi mở của chính phủ các nước trong việc điều chỉnh các quy định trong nước phù hợp với quốc tế, cũng như đảm bảo tính minh bạch trong tiêu chuẩn. Có sự tham gia của chính phủ, nhà làm luật và khu vực tư nhân để không gây ra sự cản trở trong phát triển thương mại”, bà Christine góp ý.
Đặc biệt, để thực hiện các hiệp định thương mại tự do, dịch vụ số là công cụ rất hữu ích cho các chính phủ trong việc đáp ứng các yêu cầu về minh bạch trong các FTA. Hơn nữa, cần giảm số lượng tiêu chuẩn phải tuân thủ.
THỐNG NHẤT ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN TẠI MỌI QUỐC GIA
Nhấn mạnh lợi ích khi sử dụng tiêu chuẩn thương mại số thống nhất trong khu vực và trên thế giới, ông Nigel Chin, Cố vấn cao cấp tại Văn phòng cố vấn chung ADB cho rằng số hoá hoạt động thương mại điện tử cho phép doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết được nhiều thách thức họ gặp phải như giải quyết nhanh gọn luồng chứng từ, thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi giá trị khi gặp các bất lợi…
“Chúng ta cần tăng cường sự thống nhất trong áp dụng tiêu chuẩn ở mọi quốc gia, chứ không thể quốc gia này dùng chứng từ điện tử, quốc gia kia dùng chứng từ giấy”, đại diện ADB nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, khi các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận cho phép một doanh nghiệp kết hợp hoạt động từ địa phương này sang địa phương khác mà không cần phải điều chỉnh phương pháp, mô hình, thực tiễn kinh doanh.
Đặc biệt, điều này cho phép các nền kinh tế thành viên sẵn sàng tham gia các chuỗi cung ứng khác nhau mà không cần điều chỉnh, sửa đổi tuân thủ.
Do đó, các quốc gia thành viên nên thúc đẩy chính sách trong nước, tăng cường khả năng tương tác để hoàn thành giao dịch xuyên biên giới, giảm các rào cản đối với thương mại thông qua số hóa.
Bà Hannah Nguyen, Giám đốc Hệ sinh thái số chương trình ICC nêu giải pháp, đầu tiên cần nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn quốc tế, xác định những khoảng trống xảy ra để đưa ra biện pháp xoá khoảng trống, liên thông giữa các nền kinh tế với nhau bằng các tiêu chuẩn chung tương thích nhằm trao đổi dữ liệu xuyên biên giới.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Việt Nam đã có định hướng hoạt động tiêu chuẩn kinh tế số thông qua hoàn thiện thể chế, hạ tầng chất lượng quốc gia. Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực.
Mặt khác, xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, ưu tiên phát triển tiêu chuẩn Việt Nam phục vụ thương mại số, kinh tế số của Việt Nam (IoT, AI, eCommerce, Logistic, Tracebility, Smart Manufacturing...).
Đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường đào tạo, phổ biến áp dụng tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn tiên tiến…