18:54 15/12/2021

“Bàn đạp” tăng tốc xuất khẩu năm 2021 từ xúc tiến thương mại số

Vũ Khuê

Bộ Công Thương đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức xúc tiến thương mại. Khi di chuyển quốc tế bị gián đoạn bởi các biện pháp giãn cách xã hội, phương thức xúc tiến thương mại mới dựa trên nền tảng số đã được nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng…

Bộ Công Thương cho rằng, năm 2021, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp bởi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia.

Tại Việt Nam, Covid-19 có một số thời điểm làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương hàng hóa. Nhưng trong bối cảnh đó, hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng.

XUẤT KHẨU 2021 ƯỚC ĐẠT TRÊN 330 TỶ USD

Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 602 tỷ USD tăng 22,8% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 300,27 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại 11 tháng xuất siêu 1,46 tỷ USD.

Ước tính tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu cả năm 2021 đạt khoảng 660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020. Cán cân thương mại năm 2021 xuất siêu ước đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại diễn đàn.

Bộ Công Thương dự kiến, năm 2021 có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm hàng so với năm 2020 (có 33 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD).

Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến. Đây cũng là nhóm hàng có tỷ trọng tăng nhanh nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu, là nhân tố quyết định tạo nên bứt phá về kim ngạch xuất khẩu cũng như cán cân thương mại thặng dư, dự kiến năm 2021, tỷ trọng đạt 86,1%.

Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng có tỷ trọng giảm đều qua các năm (dự kiến năm 2021 tỷ trọng đạt 8,4%). Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng hạn chế về nguồn cung giảm mạnh.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ lắp đặt thiết bị dây chuyền công nghệ và làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu.

Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 11/2021. 
Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 11/2021. 

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Công tác hội nhập quốc tế và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu đầu vào, công nghệ phục vụ sản xuất trong nước.

LẤP KHOẢNG TRỐNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục và phát triển kinh tế” ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, việc đạt được kết quả khả quan về xuất nhập khẩu trong bối cảnh hết sức khó khăn này là nhờ có sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại. Hoạt động xúc tiến xuất khẩu đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với tình hình, giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, từ đó đóng góp không nhỏ vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất khẩu năm 2021.

“Có thể ít người để ý nhưng trong năm qua, Bộ Công Thương đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong điều kiện mà di chuyển quốc tế bị gián đoạn bởi các biện pháp giãn cách xã hội, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội nỗ lực nghiên cứu, ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, phương thức xúc tiến thương mại mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Điển hình là kết nối khách hàng online và tham gia các triển lãm trên môi trường số”, Thứ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều khoảng trống đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn để nâng cao hiệu quả, duy trì và phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Các hoạt động này cần dựa trên các kế hoạch xúc tiến thương mại trung hạn, có tính căn cơ, để vừa tận dụng được cơ hội thị trường quốc tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, vừa phù hợp với năng lực tham gia và nguồn lực của Việt Nam.

“Bàn đạp” tăng tốc xuất khẩu năm 2021 từ xúc tiến thương mại số - Ảnh 1

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, để tận dụng được các cơ hội từ sự phục hồi các thị trường xuất khẩu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, Cục sẽ chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn.

Đồng thời phối hợp, lồng ghép hoạt động xúc tiến xuất khẩu ở trung ương với địa phương và với công tác xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu ngành hàng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, những chuyển biến tích cực trong hoạt động xuất khẩu của thành phố Hà Nội trong quý 4/2021 là nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương, các vụ thị trường khu vực, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trên nền tảng số.

Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại vào các thị trường truyền thống và tiềm năng… theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa.

Mặt khác, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn về những vướng mắc liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu và chính sách phát triển hạ tầng logistics giúp Thành phố triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hỗ trợ phát triển thương mại trong nước và quốc tế….