16:08 16/06/2010

Thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi)

Nguyên Hà

Quốc hội đã thông qua dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đọc báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đọc báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN.
Với 84,79%  đại biểu tán thành, chiều 16/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là ngân hàng Trung ương của nước Việt Nam với 27 quy định cụ thể về  nhiệm vụ, quyền hạn.

Liên quan đến vấn đề gây nhiều tranh cãi trong quá trình thảo luận là lãi suất, tại báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận không có nghĩa là để lãi suất tự do thả nổi trên thị trường.

Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của tổ chức tín dụng.

Theo quy định của dự luật, Ngân hàng Nhà nước cũng có trách nhiệm công bố lãi suất làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp và chống cho vay nặng lãi.

Với phân tích đó, điều 12 về lãi suất tại Luật này quy định: Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.

Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau  và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

Về thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, luật này quy định Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và các biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.

Về góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù, luật này chỉ cho phép Ngân hàng Nhà nước góp vốn thành lập doanh nghiệp không nhằm mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận, mà nhằm thực thi một số chức năng, nhiệm vụ đặc thù của một ngân hàng Trung ương. Như thành lập nhà máy in tiền quốc gia, cung ứng dịch vụ thanh toán quốc gia...

Ngân hàng Nhà nước không tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác ngoài chức năng nhiệm vụ của mình.

Cũng theo quy định của luật, Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Kể từ ngày luật này có hiệu lực, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 hết hiệu lực thi hành.

Cũng trong chiều 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008 với 85,8% số đại biểu tán thành. Theo đó tổng thu cân đối 548.529 tỷ đồng; tổng chi 590.714 tỷ đồng; bội chi 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương).