20:36 12/09/2022

Thủ tướng: Điều hành kinh tế phải có nghệ thuật, nhãn quan chính trị và hiểu biết tâm lý xã hội

Tiến Dũng

Thủ tướng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn điều hành kinh tế thời gian qua...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, Việt Nam có xu hướng tăng trưởng cao và lạm phát thấp, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. 

ĐIỀU HÀNH KHÔNG ĐƠN THUẦN VỀ KINH TẾ

Theo Thủ tướng, điều này có được là nhờ quá trình điều hành đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm qua nhiều nhiệm kỳ khi trải qua nhiều cú sốc của kinh tế thế giới, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến, bám sát tình hình thực tiễn để điều hành.

"Việc điều hành trong bối cảnh hiện nay không chỉ đơn thuần là kỹ thuật về mặt kinh tế mà phải có nghệ thuật điều hành, nhãn quan chính trị, hiểu biết tâm lý xã hội, bình tĩnh trước các ý kiến khác nhau", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thời gian qua. Theo đó, phải luôn hết sức bình tĩnh, bám sát tình hình thực tiễn để có chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

“Đưa tiền ra nhiều hay ít là vấn đề cần quan tâm, nhưng quan trọng hơn là đưa tiền ra có trúng, có đúng vào các động lực cho nền kinh tế gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng không? Tinh thần là không siết chặt một cách bất hợp lý, mà quan trọng là linh hoạt, hợp lý, hiệu quả”, Thủ tướng phát biểu.

Cùng với đó, phải coi trọng công tác phân tích, dự báo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tăng cường phối hợp chính sách; lắng nghe ý kiến của các đối tượng chính sách, các chủ thể trong xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giữ vững đoàn kết, thống nhất. Chuyển đổi nhanh chóng từ chính sách sang thực thi và hiệu quả trong thực hành. Kiểm soát giá, không để mất giá đồng tiền Việt Nam.

Về dự báo thời gian tới,các đại biểu đều thống nhất đánh giá tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, khó dự báo và tác động, ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

“Chúng ta phải giữ vững bình tĩnh, đánh giá đúng nội lực để tự tin, chủ động, không lơ là, chủ quan, trong điều hành thì chuyển trạng thái không giật cục, không nới lỏng quá cũng không siết chặt; những gì được thực hiện hiệu quả, được thực tế chứng minh là đúng thì tiếp tục thực hiện, kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc nhưng linh hoạt trong các vấn đề cụ thể”, Thủ tướng nói.

13 NHÓM NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng khái quát 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tập trung triển khai thực hiện.

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nhưng bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hỗ trợ tích cực, hiệu quả chính sách tiền tệ. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, cắt giảm các loại thuế, phí, lệ phí phù hợp. Tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương; tăng thu, tiết kiệm chi.  Tăng cường quản lý nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công (tỉ lệ nợ công tiếp tục xu hướng giảm từ khoảng 64% GDP năm 2016 còn khoảng 43% hiện nay).

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP

Cùng với đó, tăng cường công khai, minh bạch, phát triển ổn định, lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, trong đó sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Thứ ba, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống như xăng dầu.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy cầu nội địa (bằng đầu tư hạ tầng chiến lược, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập người dân), đồng thời đa dạng hóa các thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu và thặng dư thương mại bền vững.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Phát triển du lịch, dịch vụ, nghiên cứu chính sách visa phù hợp.

Thứ sáu, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng.

Thứ bảy, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, sự phối hợp và công tác điều phối chính sách kinh tế vĩ mô nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt giữa các công cụ chính sách.  Khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; qua đó vừa góp phần tạo nền tảng cho phát triển bền vững, vừa góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Thứ chín, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thứ mười, chú trọng hơn nữa đến phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền. Xác định con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thứ mườt một, đẩy mạnh thông tin truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực trong thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ mười hai, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và bảo đảm sức khỏe người dân, coi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 và bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Thứ mười ba, đẩy mạnh hợp tác công tư để thu hút các nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.