11:13 04/06/2007

Thực phẩm nhiễm độc: “Không biết thì dứt khoát không động đến”

Hỏi chuyện Thạc sĩ Đỗ Thanh Bái - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất

Thạc sĩ Đỗ Thanh Bái.
Thạc sĩ Đỗ Thanh Bái.
Những ngày gần đây người dân lúng túng bởi chưa hết chuyện nước tương chứa 3-MCPD quá mức cho phép lại đến kem đánh răng nhập lậu, sầu riêng bảo quản bằng carbendazim... Thực phẩm nhiễm độc, gây ung thư đang thật sự gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Nhà khoa học về hóa chất, Thạc sĩ Đỗ Thanh Bái - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất (Viện Hóa học công nghiệp) - nói:

- Dư luận đang lo lắng chuyện tồn dư hóa chất trong thực phẩm, ví dụ chuyện dùng carbendazim bảo quản sầu riêng. Bản chất carbendazim là loại hóa chất diệt nấm, thân thiện với môi trường và không nằm trong danh mục thuốc trừ sâu gây độc. Chỉ nên sử dụng thuốc bảo quản trên vỏ, người dùng sẽ bỏ vỏ đi, thay vì bảo quản trên cuống sẽ ngấm vào quả, kể cả loại thân thiện cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Cơ quan chức năng thiếu năng lực

Theo ông, lý do nào khiến các nhà sản xuất sử dụng hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như trường hợp nước tương, kem đánh răng, sầu riêng...?

Nhà sản xuất muốn thu lợi nhuận cao. Vụ kem đánh răng Trung Quốc sử dụng diethylene glycol thay vì glycerin bản chất cũng là nhằm tăng lợi nhuận do diethylene glycol rẻ bằng 1/3 glycerin, hình thức lại giống hệt nhau rất khó phân biệt.

Trong khi đó, chính quyền lại không đủ năng lực, thông tin và công cụ giúp người tiêu dùng, vì thế dẫn đến lúng túng như việc giải quyết vụ nước tương ở Tp.HCM.

Trong tình hình thực phẩm, hàng tiêu dùng nhiễm độc, ông có nhận thấy cuộc sống của người dân luôn trong trạng thái “không an toàn”?

Rất không an toàn! Nhưng trong số này có cái không an toàn thật, có cái không an toàn giả. Cái không an toàn thật là nhiều loại rau sống, trà còn tồn dư thuốc trừ sâu độc hơn carbendazim nhiều lần. Có tới 20-30 loại thực phẩm có 3-MCPD.

Riêng về nước tương, thật ra bây giờ thế giới đã có 5-6 công nghệ sản xuất nước tương “sạch”, an toàn về 3-MCPD. Nếu chính quyền giới thiệu công nghệ, phổ biến cho doanh nghiệp và người dân, có thể giải quyết được vấn đề.

Ông nói đến vai trò của chính quyền, nhưng hình như chính quyền rất lúng túng trong giải quyết các vụ việc kiểu nước tương “đen”, trái cây tồn dư chất bảo quản...

Hiện Bộ Công nghiệp đang chủ trì soạn thảo Luật An toàn hóa chất, có thể sẽ được Quốc hội thông qua ở kỳ họp tới đây. Điều quan trọng trong luật là kiểm soát về an toàn hóa chất cho người sản xuất, người tiêu dùng. Từ trước đến nay chúng ta sống trong thế giới mù mờ thông tin về hóa chất, nhưng có luật hi vọng sẽ tạo cho người sản xuất, người tiêu dùng một góc nhìn chung.

Một vấn đề nữa còn bất cập là năng lực của các cơ quan phân tích. Ví dụ hàm lượng 3-MCPD trong một nhãn hiệu nước tương có thể có 3-4 kết quả ở 3-4 labo khác nhau. Cái này giống vụ rau Thanh Trì - Hoàng Mai (Hà Nội) trước đây và nguyên do là năng lực phân tích.

Phân tích là việc khó, vì thế Công ty Vitecfood mới cam kết trả 1 tỉ đồng cho ai phát hiện 3-MCPD trong Chin-su vì họ biết cái đó không ai làm được. Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng là phải cung cấp những thông tin tin cậy, nhưng cơ quan chuyên môn lại chưa đủ năng lực. Bài học này không chỉ ở Tp.HCM...

Người tiêu dùng nên thận trọng

Ông nghĩ gì về trách nhiệm của doanh nghiệp, khi họ cố tình ém nhẹm thông tin mặc dù biết sản phẩm của mình độc hại?

Tôi nghĩ doanh nghiệp ngày nay không nên chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà cần quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Ở nước ngoài, có công ty sản xuất thuốc trừ sâu đã đến tận bờ ruộng dạy nông dân cách sử dụng sao cho tốt, an toàn. Đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, làm cho người tiêu dùng hiểu được doanh nghiệp đã cam kết sử dụng sản phẩm của họ là an toàn.

Đặc biệt trong lĩnh vực hóa chất, phải minh bạch thông tin, cái gì độc phải cho người dân biết... Vì thế mới có khái niệm doanh nghiệp phát triển bền vững, có đạo đức.

Theo ông, làm thế nào để trở thành “người tiêu dùng thông minh” trong thời điểm thông tin tù mù như hiện nay?

Người tiêu dùng nên hỏi và doanh nghiệp, Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin. Theo Luật an toàn hóa chất sắp ban hành, người cung cấp hóa chất sẽ phải thông tin cho người tiêu dùng, thông qua phiếu an toàn hóa chất.

Năm 2005 đã có nghị định của Chính phủ về an toàn hóa chất nhưng luật tới đây sẽ chi tiết hơn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải mua thông tin từ các nhà khoa học và cung cấp cho người tiêu dùng, như vậy nhà khoa học và người tiêu dùng sẽ có cầu nối.

Người tiêu dùng nên thận trọng, một người tiêu dùng thông minh là cái gì không biết thì dứt khoát không động đến. Ví dụ như nội tạng gia cầm nhập lậu, chân gà Trung Quốc, chắc chắn là có chất bảo quản trong đó nhưng nó là gì thì tôi chưa biết, vì thế tôi không bao giờ mua.

Nhưng hiện nay hầu như cái gì (trong lĩnh vực an toàn thực phẩm) người dân cũng không biết. Họ phải làm sao, thưa ông?

Người tiêu dùng phải yêu cầu được thông tin, như hiện nay có việc dùng “dầu biến thế” cũ để rán bánh, trong đó có chất chắc chắn gây ung thư. Việc cần làm hiện nay là quản lý dầu cũ, nhưng người dân làm sao biết được chuyện đó. Chính phủ phải báo cho dân biết, phải hướng dẫn họ cách làm. Doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với xã hội.