11:59 26/02/2007

“Thượng đế cần thông cảm cho doanh nghiệp viễn thông”

Tùy Phong

Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Trần Đức Lai khi nói về tình trạng nghẽn mạng di động trong dịp Tết

"Về mặt chất lượng, tôi cho rằng các doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp khá tốt dịch vụ khi có tới 95% các cuộc gọi thông mạch."
"Về mặt chất lượng, tôi cho rằng các doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp khá tốt dịch vụ khi có tới 95% các cuộc gọi thông mạch."
Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Trần Đức Lai khi nói về tình trạng nghẽn mạng di động trong dịp Tết.

Với tình trạng nghẽn mạng điện thoại di động nghiêm trọng tại nhiều địa phương trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, là cơ quan quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động, vậy Bộ có ý kiến g về vấn đề này?

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận là chất lượng dịch vụ và độ thông mạch năm nay của các mạng di động có nhiều cải thiện hơn so với năm 2006, song cùng đó cũng phải thừa nhận rằng tình trạng nghẽn mạng cục bộ đã xảy ra tại nhiều địa phương vào một số thời điểm trong dịp Tết.

Theo tôi đây là điều khó tránh khỏi vì cũng chưa có quốc gia nào trên thế giới khắc phục được tình trạng nghẽn mạng vào dịp Tết, hay khi có những sự kiện, ngày đặc biệt nào đó.

Song, nhận thức được vấn đề trên, nên từ trước Tết, Bộ Bưu chính Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp báo cáo và áp dụng ngay các biện pháp như mở rộng mạng lưới, phát triển nhiều loại hình dịch vụ, đồng thời tăng cường chất lượng dịch vụ, chống nghẽn mạng ở các thành phố lớn cũng như ở các địa phương.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng đã chi rất nhiều tiền để nâng cấp mạng lưới, tiến hành các biện pháp chống nghẽn ở mức tối đa, và Bộ cũng đã tiến hành kiểm tra và ghi nhận có doanh nghiệp đã tăng cường mở rộng mạng lưới thêm 50%.

Nhưng tình trạng nghẽn mạng vẫn xảy ra, chính vì thế việc nghẽn mạng trong dịp Tết có thể nói là một thực tế khó tránh khỏi.

Khách hàng cho rằng họ mất tiền sử dụng dịch vụ thì có nghĩa nhà cung cấp phải đảm bảo nhu cầu kết nối thông tin, và với việc nghẽn mạng vừa qua thì dường như nhà cung cấp thiếu sự thiếu tôn trọng khách hàng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Có thể ví dụ thế này: Khi xây một con đường cao tốc thì không ai có thể khẳng định 100% rằng con đường này sẽ không bị “nghẽn”, bị “tắc” vì một lý do nào đó. Các mạng di động cũng vậy.

Khi có một sự cố về mặt kỹ thuật, hay gặp vấn đề gì đó thì tình trạng nghẽn mạng sẽ xảy ra. Trong dịp Tết, khi có hiện tượng khó khăn trong liên lạc thì người sử dụng thường liên tục gọi lại để liên lạc cho bằng được, và hành động này của khách hàng vô tình càng làm tăng tình trạng nghẽn mạng.

Về mặt chất lượng, tôi cho rằng các doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp khá tốt dịch vụ khi có tới 95% các cuộc gọi thông mạch. Mặt khác, theo theo quy định của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), thì các doanh nghiệp cần phải dành 20% dung lượng dự phòng để tránh nghẽn mạng, trong khi đó các cuộc kiểm tra của Bộ trước Tết cho thấy các doanh nghiệp đều dành hơn dung lượng quy định để chống nghẽn.

Do đó, tôi cho rằng các khách hàng cần có sự thông cảm cho các doanh nghiệp khi họ đã nỗ lực hết sức.

Các nhà cung cấp dù muốn, cũng không thể bỏ một lượng tiền cực kỳ lớn để chống nghẽn cho một lần duy nhất hay cho một dịp duy nhất trong năm, vì đó là sự lãng phí và không khả thi trong kinh doanh.

Do đó, theo tôi, điều thiếu sót của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đó là không có sự khuyến cáo hay có hướng dẫn cụ thể, kỹ lưỡng cho các khách hàng trước dịp Tết.

Trong năm tới, Bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp mở rộng đầu tư nâng cấp mạng lưới dịch vụ hơn nữa để cho tình trạng nghẽn mạng không xảy ra.