Thường vụ Quốc hội chuẩn bị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội
Từ ngày 8/5 đến ngày 10/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên họp thứ 34
Từ ngày 8/5 đến ngày 10/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên họp thứ 34.
Thông cáo báo chí về dự kiến chương trình phiên họp này cho biết, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Trong công tác giám sát: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cũng được xem xét tại phiên họp.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai: thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch, 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Một số nội dung khác về kinh tế - xã hội cũng được xem xét là quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017, việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh; việc chuyển nguồn vốn dự án đóng mới 6 tàu kiểm ngư và dự án sửa chữa nâng cấp 3 tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản viện trợ (thành tàu kiểm ngư) theo nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung danh mục mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội.
Liên quan đến đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội 2018 và những tháng đầu năm 2019, cuối tháng 4 vừa qua Uỷ ban Kinh tế cũng đã nêu một số vấn đề cần đánh giá cụ thể hơn.
Chẳng hạn, về hoạt động doanh nghiệp, năm 2018 doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số vốn đăng ký và số doanh nghiệp so với năm 2017, tuy nhiên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 8,9% so với năm 2016. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh còn thấp.
Việc kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn thiếu hiệu quả, thu hút các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung cũng chưa tạo nên hiệu ứng lan toả tích cực về công nghệ và tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.
Với 2019 cơ quan thẩm tra nhấn mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt thấp. Một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP nhất là dự án BOT, BT ngành giao thông vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Trong hoạt động ngân hàng, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn khó khăn, đặc biệt là việc cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc và một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...
Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội sẽ được Chính phủ hoàn thiện và trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.