23:34 14/12/2007

Tiền phạt vi phạm bản quyền phần mềm có thể tăng

"Mức phạt 20-30 triệu đồng hiện nay chưa đủ sức ngăn chặn việc sử dụng phi pháp phần mềm"

Đoàn thanh tra làm việc tại một công ty sử dụng phần mềm không hợp pháp.
Đoàn thanh tra làm việc tại một công ty sử dụng phần mềm không hợp pháp.
"Mức phạt 20-30 triệu đồng hiện nay chưa đủ sức ngăn chặn việc sử dụng phi pháp phần mềm".

Ông Ngô Huy Toàn, Phó phòng thanh tra báo chí xuất bản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định như vậy. Cơ quan này đang kiến nghị tăng mức phạt dựa theo tổng giá trị phần mềm bị vi phạm.

Ý kiến của ông Toàn được đưa ra trong hội thảo về quản lý tài sản phần mềm, tổ chức tại Tp.HCM, ngày 13/12. Theo số liệu của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA), tuy tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam giảm, nhưng số vụ lại tăng theo sự phát triển của thực tế ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý kinh doanh. Ông Toàn cho rằng, nếu mức tiền phạt cao hơn hẳn mức hiện hành có thể giúp việc thực hiện luật bản quyền với phần mềm hiệu quả hơn.

Thông tin trên khiến đại diện các doanh nghiệp có mặt tại hội thảo lo lắng, vì sẽ phải chi thêm khoản phí lớn cho ứng dụng công nghệ thông tin. "Tiền bản quyền thật sự quá đắt. Nhưng trước việc triển khai ráo riết về luật bản quyền sắp tới, tôi sẽ phải nhắc nhở cấp trên chú ý để tránh thiệt hại nhiều hơn", chị Huỳnh Song, nhân viên một công ty khai thác đá ở Tp.HCM, nói. Công ty chị có hơn 100 máy tính và chỉ riêng tiền mua bản quyền Windows cũng hơn 10.000 USD, chưa kể các phần mềm khác.

Một số doanh nghiệp lại phấp phỏng hy vọng "tránh luật". "Công ty tôi rất nhỏ. Cấp chức năng có thể chỉ kiểm tra những công ty lớn, không đến lượt những nơi như chúng tôi", đại diện một công ty tại Tp.HCM nói.

Còn ông Lâm, làm việc tại một công ty thiết kế, cho rằng, việc trả tiền cho tất cả phần mềm đang sử dụng đối với doanh nghiệp của ông xem ra bất khả thi. "Do đặc thù công việc, chúng tôi phải sử dụng những phần mềm giá cao, tính tổng cộng tới vài tỷ đồng, nhiều hơn cả vốn công ty. Cấp ngành chức năng nên xem xét có cơ chế nào để vừa đảm bảo thi hành đúng luật bản quyền, vừa giúp chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin theo nhu cầu", ông Lâm đề xuất.

Nhiều doanh nghiệp đồng quan điểm trên và cho rằng, để triển khai hiệu quả việc sử dụng phần mềm hợp pháp phải giáo dục ý thức toàn dân và cần có chính sách hỗ trợ giá phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, như một số quốc gia đang phát triển thực hiện.

Phó phòng Thanh tra báo chí - xuất bản Ngô Huy Toàn cho biết, Chính phủ sẽ xúc tiến đẩy mạnh đàm phán thương mại với các doanh nghiệp sản xuất phần mềm để có chính sách ưu đãi về giá cho sản phẩm bán tại Việt Nam.

Ông Roland Chan, Giám đốc tiếp thị của BSA tại châu Á, khuyên các doanh nghiệp nên kiểm tra tối ưu hóa số phần mềm đang sử dụng, loại bỏ chương trình không cần thiết hoặc chuyển sang dùng sản phẩm giá rẻ có tính năng vừa đủ với nhu cầu.