Tiến sĩ, thạc sĩ Trung Quốc đua nhau về quê làm nông nghiệp sạch
Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết có khoảng 7 triệu người đã rời các thành phố về nông thôn, trong đó 60% đã chuyển sang làm nông nghiệp
Khoảng 60% dân số Trung Quốc hiện sống tại các thị trấn và thành phố, tăng mạnh so với 26% vào năm 1990. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với trung bình 75% tại các nước phát triển trên thế giới và quá trình "đô thị hóa ngược" đang ngày càng phát triển khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết có khoảng 7 triệu người đã rời các thành phố về nông thôn. Trong đó, 60% đã làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khi hàng nghìn con lợn bệnh bị thả trôi từ thượng nguồn trôi xuống một nhánh của sông Hoàng Phố ở Thượng Hải vào đầu năm 2013, mùi hôi thối đã khiến Zheng Lixing cảm thấy buồn nôn. "Nếu như bạn ở đó, bạn sẽ không thể ăn nổi thứ gì trong vài ngày", Zheng, đến từ tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc, là tiến sĩ khoa học vật liệu polymer của Đại học Khoa học và Công nghệ Thiên Tân.
Trải nghiệm đó đã khiến cảm thấy quan ngại về lĩnh vực nông nghiệp của Trung Quốc. Ba năm sau đó, với 2 triệu Nhân dân tệ (hơn 290.000 USD) tiền tiết kiệm và đi vay, Zheng cùng 4 người bạn cùng đại học cũng đến từ Thiểm Tây trở về quê và mua 13 hecta đất nông nghiệp ở Liquan. Họ muốn chỉ cho nông dân địa phương những lợi ích của việc chuyển sang phương pháp nông nghiệp hữu cơ.
Zheng Lixing trên trang trại của mình tại Thiểm Tây, Trung Quốc.
Chất lượng đất tại đây rất kém và sẽ mất vài năm để phục hồi hoàn toàn. Ô nhiễm đất do sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, cũng như chất thải công nghiệp, là mối đe dọa lớn đối với an ninh lương thực của Trung Quốc, Zheng nhận định.
Trang trại của Zheng chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Tuy nhiên, do đó, năng suất cây trồng không được cao và điều này khiến nhiều nông dân địa phương không tiếp tục theo mô hình của Zheng và các cộng sự.
"Chúng tôi sẽ vẫn chưa thể hòa vốn cho tới cuối năm nay", Zheng cho biết và nói thêm rằng các nông dân khác có thể sẽ thay đổi khi họ thấy những sản phẩm chất lượng tốt hơn có thể bán được giá cao hơn.
Zheng là một trong hàng triệu trí thức thành thị tại Trung Quốc lựa chọn rời bỏ thành phố để trở về quê.
Hiện đại hóa nông nghiệp là một trong những mục tiêu của chính phủ Trung Quốc. Hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng cần tăng cường nỗ lực để khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp đại học tài năng trong nước và nước ngoài tới các khu vực nông thôn để đổi mới nông nghiệp. Các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp của nước này gồm có giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, cũng như các biện pháp hỗ trợ khác cho doanh nhân nông nghiệp.
Ma Yanwei đang giúp nông nhân canh tác với phương pháp thân thiện với môi trường.
Ma Yanwei, người đã mua một trang trại rộng 11 hecta tại Alashan, thuộc Nội Mông vào năm 2015, cho biết chính phủ đang hỗ trợ cho nông dân địa phương phương pháp bảo tồn nước tại các khu vực khô cằn nằm ở rìa sa mạc. Ông đã áp dụng phương pháp này trên trang trại của mình và sau đó dạy lại cho các nông dân địa phương.
Ma Yanwei tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh với tấm bằng tiến sĩ sinh thái học, là người gốc ở Cáp Nhĩ Tân. Công việc trước đó tại một tổ chức môi trường có trụ sở tại Bắc Kinh đã đưa ông tới Alashan vào năm 2004.
Trong khi đó, Yixi Kanzhuo, thạc sĩ Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế tại Bắc Kinh, cũng đang giúp đỡ nông dân ứng dụng các phương pháp nông nghiệp thân thiện với môi trường. Đến từ Đại Liên, Yixi từng làm việc cho tổ chức bảo vệ môi trường trước khi chuyển tới Yushu, Thanh Hải, nằm ở phía Tây Bắc, Trung Quốc.
Nông trại của Yixi và gia đình tại Yushu, Thanh Hải.
Tại đây, Yixi đã kết hôn một người bản địa - sở hữu khoảng 1.300 hecta đất nằm ở độ cao 4.500m so với mực nước biển và cùng làm nông nghiệp. Dù còn gặp nhiều khó khăn, Yixi cho biết cuộc sống mới của cô hiện tốt hơn rất nhiều so với thời còn ở thành phố.
"Để kiếm 20.000 - 30.000 Nhân dân tệ (2.900 - 4.350 USD) một tháng, mọi người phải di chuyển bằng tàu điện ngầm đông đúc mỗi ngày và tiêu toàn bộ số tiền đó cho chi phí sinh hoạt. Họ chỉ sống để làm việc", Yixi nói. "Tôi hi vọng con cái tôi sẽ sinh ra tại đây và chúng có thể lớn lên hòa mình với thiên nhiên, có một cuộc sống hạnh phúc".