Tổ chức kiểm tra trực tuyến: Đảm bảo nghiêm túc, công bằng và đánh giá đúng năng lực học sinh
Các thầy cô sẽ định hình được kết quả dạy học và kịp thời lên kế hoạch bồi dưỡng, khắc phục những mặt còn hạn chế của các học sinh...
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường phải sử dụng hình thức trực tuyến để tổ chức kiểm tra, đánh giá giữa học kỳ 1 năm học 2021-2022. Đây là thách thức không nhỏ khi vừa đảm bảo nghiêm túc, công bằng lại vừa đánh giá đúng năng lực học sinh.
XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN THI CHI TIẾT, KỸ LƯỠNG
Theo chia sẻ của một số trường tại Hà Nội, để đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc trong kỳ kiểm tra, các nhà trường đã xây dựng phương án tổ chức thi chi tiết, kỹ lưỡng, yêu cầu học sinh và giáo viên phải thực hiện nghiêm túc.
Tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình), việc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến được triển khai ngay từ kỳ 2 của năm học 2020-2021 ở một số môn học thông qua phần mềm thông minh Azota. Cụ thể là khi sử dụng, học sinh chỉ đăng nhập một thiết bị để làm bài. Nếu mở giao diện thứ 2 thì ngay lập tức sẽ bị thoát ra khỏi phần mềm.
Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Thu Thủy-Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Suốt quá trình làm bài, học sinh phải mở mic, bật camera. Mỗi phòng sẽ có 2 giáo viên giám sát toàn bộ hoạt động. Nhà trường cũng chủ động sắp xếp thời gian kiểm tra phù hợp với thời gian của phụ huynh để cùng theo dõi buổi thi”.
Trong khi đó, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Hai Bà Trưng) lại tiến hành khảo sát học sinh các khối có đủ thiết bị thực hiện kỳ thi hay không? Qua đó đưa ra cái nhìn tổng quát và kịp thời hỗ trợ những trường hợp đặc biệt, sao cho không em nào bị bỏ lại phía sau.
Với đề thi, đa số các môn thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm, nhà trường đã xây dựng một bộ đề có hệ thống câu hỏi đa dạng, gồm nhiều mã đề, có sự xáo trộn. Học sinh làm bài trong vòng 45 phút gồm 30 câu hỏi. Còn những môn thi theo hình thức tự luận, nhà trường sẽ thông báo phụ huynh phối hợp hỗ trợ giám sát, đồng thời yêu cầu học sinh tự giác để đánh giá năng lực thật sự giúp giáo viên định hình được chất lượng học trực tuyến. Nhìn chung, các câu hỏi đều ở mức độ cơ bản, không làm khó học sinh và chỉ dành thời gian vừa đủ để thực hiện.
Theo cô Hoàng Thị Thanh-Hiệu trưởng nhà trường, “Việc xác định năng lực học sinh thì ngay trong quá trình học tập trên lớp, các thầy cô cũng nắm bắt được phần nào. Từ kết quả đánh giá thường xuyên kết hợp với kỳ thi đánh giá giữa kỳ 1 chắc chắn sẽ phản ánh đúng khả năng của các em”.
Cũng luôn đề cao sự nghiêm túc, thầy Hà Xuân Nhâm-Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết đã xây dựng một hệ thống thông tin để phục vụ cho việc kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Bên cạnh đó còn chuẩn bị các ma trận đề thi và xây dựng app học tập ôn luyện, kiểm tra cho học sinh với phương án giám sát có sự hỗ trợ bố mẹ cùng các thiết bị camera. Đặc biệt, yêu cầu học sinh phải nộp bài kiểm tra đúng thời gian quy định.
Theo thầy, dù học trực tuyến hay trực tiếp thì việc kiểm tra, đánh giá học sinh là rất cần thiết. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, để kỳ thi diễn ra thuận lợi đòi hỏi các trường phải tìm hiểu, khảo sát các nghiệp vụ tổ chức thi trực tuyến. Đồng thời tiến hành tập huấn cho giáo viên thực hiện các quy trình coi thi trên máy tính cũng như quy trình làm bài của học sinh. Từ đó giáo viên chủ nhiệm sẽ hướng dẫn lại cho học sinh để giúp các em làm bài tự tin, thoải mái với hình thức kiểm tra mới mẻ này.
VẪN CÒN KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN
Tuy nhiên qua triển khai thực tế, cô Thu Thủy cho biết vẫn còn nhiều hạn chế. Với những bài kiểm tra mang tính chất tự luận như môn văn sẽ khó cho các thầy cô trong việc chấm bài. Bởi không phải học sinh nào cũng chụp bài thành thạo và đạt yêu cầu gửi các thầy cô. Nhất là những học sinh đầu cấp sẽ bỡ ngỡ nếu không có sự hướng dẫn của phụ huynh.
Để khắc phục tình trạng này cần xây những phương án nộp bài khác nhau. Nếu học sinh không thể thực hiện ngay tại thời điểm đó thì có thể xác nhận với cô chủ nhiệm để hỗ trợ nộp lại qua Zalo. Ngoài ra, trước khi tổ chức kiểm tra thật, nhà trường nên kiểm tra thử để giúp học sinh thành thục với các thao tác. Đây là công tác chuẩn bị quan trọng đòi hỏi các thầy cô phải tập huấn thật kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, “nhà trường cũng sẽ căn cứ vào từng bộ môn để có các hình thức kiểm tra phù hợp. Chẳng hạn như đánh giá qua sản phẩm thực hành của học sinh, qua các bài luận… Đối với các bài kiểm tra tính điểm thì có thể thử nghiệm, cân nhắc nhiều phương án. Phương án nào tốt nhất và đánh giá được khách quan nhất sẽ sử dụng, trên tinh thần vừa thử nghiệm vừa chờ các hướng dẫn tiếp theo của sở”, cô chia sẻ.
Đồng quan điểm, cô Thanh cho rằng, “Thực tế vẫn gặp những tình huống trục trặc về đường truyền Internet từ phía học sinh vì vậy nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng 2 phương án. Buổi sáng sẽ thi vào 8h15 nhưng trong số những học sinh đó nếu có trường hợp trục trặc do Internet tại gia đình thì buổi chiều 5h30, sau khi phụ huynh có nhà sẽ thông báo để kiểm tra lại. Với những trường hợp này sẽ áp dụng đề thi dự phòng”.
Ngoài ra, theo cô, “Các bài kiểm tra thường xuyên thì khá dễ dàng, còn với bài thi giữa hoặc cuối kỳ sẽ khó khăn hơn nên nhà trường chủ trương đề nghị các tổ trưởng chuyên môn họp bàn cùng nhau xây dựng kế hoạch. Phương án nào tốt nhất thì duyệt và triển khai.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi các Sở Giáo dục và đào tạo yêu cầu các trường cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến trong năm học 2021-2022.
Trong đó, Bộ nhấn mạnh việc đánh giá thực hiện theo quy định: không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phô thông. Không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với một số môn học, hoạt động giáo dục lớp 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay môn lịch sử và địa lí bao gồm 2 phân môn lịch sử và địa lí, mỗi phân môn chọn 2 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kì. Bài kiểm tra, đánh giá định kì gồm nội dung của 2 phân môn theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 2 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.