Không thu phí khi bồi đắp kiến thức cho các em học sinh trở lại trường
Khi điều kiện cho phép học sinh trở lại trường học trực tiếp, các nhà trường cần bố trí thời gian bồi đắp kiến thức cho các em và quy định chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thu phí đối với việc bổ trợ kiến thức này...
Từ điểm cầu chính tại Nhà Quốc hội ngày 5/11, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc trực tuyến với TP. HCM, Bình Dương, Bến Tre về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì buổi làm việc.
Theo các báo cáo tại phiên làm việc, thời gian qua, TP. HCM, Bình Dương và Bến Tre đã cơ bản bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang bị thiết bị công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông… cho các cơ sở giáo dục để hỗ trợ dạy và học trực tuyến. Riêng trong đợt dịch thứ 4, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM đã ban hành tới 29 văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục cả 3 địa phương đều thừa nhận, hiệu quả dạy và học trực tuyến chưa cao và dạy học trực tuyến không thể thay thế dạy trực tiếp. Các địa phương đã chủ động chuẩn bị kịch bản và điều kiện để triển khai linh hoạt hoạt động dạy và học trong tình hình mới, sớm cho học sinh trở lại trường khi đủ điều kiện an toàn. Trong đó, TP. HCM đã triển khai tập huấn chuyên đề về “Môi trường và chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em do tác động của dịch bệnh Covid-19”, phát triển công tác tư vấn trường học để bảo vệ, chăm sóc học sinh không bị khủng hoảng tinh thần trước tác động của đại dịch Covid-19; quan tâm hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh, thông qua phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn…
Mặc dù vậy, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thời gian học sinh phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen học tập; hiệu quả dạy và học trực tuyến, qua truyền hình chưa cao; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, kỹ năng tự học của một bộ phận học sinh và phát triển nguồn học liệu số phục vụ dạy và học trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu…
Đoàn khảo sát cũng chỉ ra rằng, điều kiện dạy học trực tuyến ở các địa phương còn hạn chế: Cùng lúc triển khai nhiều phần mềm dạy học trực tuyến, thiếu tính đồng bộ; nguồn học liệu số chưa bảo đảm, khó kiểm soát chất lượng, khó tra cứu sử dụng. Về phía giáo viên, còn lúng túng trong kỹ năng tra cứu học liệu, dạy học trực tuyến và quản lý lớp học trực tuyến. Về phía học sinh, thiết bị học trực tuyến vừa thiếu, vừa chưa đồng đều về chủng loại, chất lượng.
Bên cạnh đó là hạ tầng Internet bị quá tải cục bộ, cước phí 3G và 4G còn cao… Tình hình diễn biến dịch Covid-19 dù đã cơ bản được khống chế, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Do vậy, kế hoạch đưa học sinh trở lại trường tiếp tục là thách thức lớn đối với các địa phương, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ càng về các điều kiện bảo đảm.
Đoàn khảo sát cũng lưu ý, các địa phương quan tâm đến vấn đề sức khoẻ tâm thần của giáo viên và học sinh, nhất là những người bị mắc Covid-19, hoặc mất người thân trong đại dịch; có biện pháp bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục, hạn chế tình trạng học sinh thiếu điều kiện cơ bản cho việc học từ xa, học sinh bỏ học do điều kiện gia đình, học sinh bị sang chấn tâm lý do Covid-19... Đặc biệt, có giải pháp để khôi phục hoạt động cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm đủ giáo viên, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh, sinh viên, nhất là các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, khi điều kiện cho phép học sinh trở lại trường học trực tiếp, các nhà trường cần bố trí thời gian bồi đắp kiến thức cho các em và quy định chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thu phí đối với việc bổ trợ kiến thức này.