11:40 22/11/2017

Tổng thống 93 tuổi của Zimbabwe từ chức, chấm dứt gần 40 năm cầm quyền

Bình Minh

Người Zimbabwe đổ ra đường ăn mừng việc nhà lãnh đạo già nhất thế giới chấp nhận từ bỏ quyền lực

Người Zimbabwe ăn mừng Tổng thống Robert Mugabe từ chức ở Harare, ngày 21/11 - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Người Zimbabwe ăn mừng Tổng thống Robert Mugabe từ chức ở Harare, ngày 21/11 - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Trước nhiều sức ép lớn, Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe ngày 21/11 đã tuyên bố từ chức, chấm dứt quãng thời gian cầm quyền kéo dài 37 năm.

Theo tin từ Bloomberg, hàng chục nghìn người Zimbabwe đã đổ ra đường ở thủ đô Harare để ăn mừng việc nhà lãnh đạo già nhất thế giới chấp nhận từ bỏ quyền lực. Quyết định từ chức của ông Mugabe được công bố sau khi Quốc hội Zimbabwe chuẩn bị thực hiện một cuộc bỏ phiếu nhằm tiến tới luận tội vị Tổng thống.

Trước đó vài ngày, đảng cầm quyền Liên đoàn Dân tộc châu Phi Zimbabwe-Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) đã cách chức thủ lĩnh đảng của ông Mugabe và yêu cầu ông từ chức Tổng thống.

Sau khi ông Mugabe từ chức, ông Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi, người bị ông Mugabe cách chức Phó tổng thống hồi đầu tháng này, sẽ trở thành Tổng thống tạm quyền của Zimbabwe. Khi cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức vào năm tới, ông Mnangagwa sẽ là ứng cử viên của ZANU-PF.

Cuộc chính biến ở Zimbabwe, quốc gia nằm ở phía Nam của châu Phi, bắt đầu khi quân đội nước này bất ngờ giành quyền kiểm soát Chính phủ vào tuần trước. Quân đội và phe đối lập đã kêu gọi Mugabe từ chức để cuộc chính biến này không bị coi là đảo chính, nhưng ông nhất quyết từ chối cho tới khi đối mặt nguy cơ bị luận tội.

Cuộc chiến chống lại ông Mugabe dường như là kết quả của một cuộc đấu đá trong nội bộ ZANU-PF. Trong đó, phe thân quân đội đứng về phía ông Mnangagwa, còn phe kia đứng về bà Grace Mugabe - vợ ông Mugabe và là người nuôi tham vọng sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Zimbabwe sau khi ông Mugabe không còn nắm quyền.

Di sản mà ông Mugabe để lại sau gần 4 thập kỷ cầm quyền là một nền kinh tế trong tình trạng thảm họa. Theo ước tính, khoảng 95% lực lượng lao động của Zimbabwe hiện thất nghiệp, cơ sở hạ tầng xập xệ, tiền mặt và thực phẩm thiếu nghiêm trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng Zimbabwe, từng là nền kinh tế hàng đầu châu Phi, sa sút là do chính sách cải cải cách ruộng đất kinh tế sai lầm của ông Mugabe. Việc chính quyền Mugabe giành lại đất từ các chủ đất da trắng đã khiến sản lượng nông nghiệp lao dốc, kéo theo kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu thuế.

"Zimbabwe đang đứng trước cơ hội hiếm có để đặt ra cho mình một hướng đi mới", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói trong một tuyên bố ra ngày 21/11. "Cho dù những dàn xếp ngắn hạn có như thế nào, thì hướng đi mới của Zimbabwe cũng cần phải dẫn tới những cuộc bầu cử tự do và bình đẳng. Người dân Zimbabwe phải được lựa chọn ra nhà lãnh đạo của họ".