06:00 30/12/2021

Trách nhiệm trước một cam kết quốc tế

Nguyễn Quốc Uy

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế theo chủ trương giảm phát thải các loại khí nhà kính để góp phần kiềm chế tình trạng trái đất nóng lên...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị CPO26.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị CPO26.

Tại hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra hồi thượng tuần tháng 11/2021 tại Glasgow – Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam trịnh trọng tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phù hợp với mục tiêu mà Hiệp ước Glasgow đề ra.

Đó là một cam kết quốc tế được bảo đảm bằng vị thế và uy tín chính trị của một quốc gia.

Cam kết này không chỉ thể hiện bằng lời nói mà đã được triển khai thực hiện trên thực tế.

Ngày  21/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 2157/QĐ-TTg, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), do Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các bộ, ngành, địa phương và hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và các nước; chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng theo hướng sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,  nhằm giảm phát thải nhà kính, tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ nước ta đã cam kết.

Như vậy, Việt Nam không chỉ đưa ra lời cam kết tại COP26 mà đã sớm có những bước đi cụ thể nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết này, dù vẫn còn gần 30 năm để đi tới mục tiêu mà chúng ta cam kết.

Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, thể hiện quyết tâm và trách nhiệm cụ thể của Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết mà người đứng đầu Chính phủ nước ta đã tuyên bố tại COP26, góp phần chung tay cùng toàn cầu trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, tạo lòng tin đối với các tổ chức quốc tế, các đối tác và các nước trong quá trình cùng chúng ta thực hiện các dự án hợp tác chống biến đổi khí hậu nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Với việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta chắc chắn sẽ được chỉ đạo, điều hành theo một chủ trương thống nhất, tránh được tình trạng chồng chéo hoặc vướng mắc từ những quy định khác nhau ở cấp địa phương. Như vậy, chắc chắn các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta sẽ đạt hiệu quả, theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định là không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. 

Trên thực tế, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế theo chủ trương giảm phát thải các loại khí nhà kính để góp phần kiềm chế tình trạng trái đất nóng lên.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) là một ví dụ cụ thể. Chiến lược này được hoạch định nhằm khuyến khích huy động mọi nguồn lực phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.

Để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) cũng đã được xem xét, điều chỉnh lại theo hướng giảm điện than, tăng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Những việc làm cụ thể trên đây là những bước đi có ý nghĩa thực tế ở tầm vĩ mô, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong nỗ lực chung tay cùng toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đó là sự thể hiện trách nhiệm của một quốc gia đối với cộng đồng quốc tế.