09:10 08/11/2021

COP26: Thỏa thuận từ bỏ than đá thiếu vắng các “ông lớn”

Nguyễn Tuyến

Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ – “bộ ba” tiêu thụ than nhiều nhất thế giới – đều không tham gia thỏa thuận...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đạt được thỏa thuận về việc bỏ dần việc sử dụng than đá trong phát điện với sự tham gia của hơn 40 quốc gia, trong đó có một số quốc gia tiêu thụ nhiều than như Việt Nam, Ba Lan, Indonesia. Cùng tham gia thỏa thuận có khoảng 150 tổ chức quốc tế.

Trong khuôn khổ COP26 ngày 4/11, Mỹ, Canada và 18 quốc gia khác đã đưa ra cam kết ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm 2022 và tăng đầu tư vào các dự án năng lượng sạch.

Cam kết này được các nhà vận động gọi là “bước đi lịch sử” để chặn dòng tiền đầu tư cho các dự án nguyên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, trong số các quốc gia cam kết không có những nước châu Á đầu tư nhiều nhất cho lĩnh vực này. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước đầu tư nhiều nhất cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở các nước G20, trong đó phần lớn là dự án dầu khí. Các nước này trước đó chỉ cam kết ngừng tài trợ cho các dự án than ở nước ngoài.

Thỏa thuận này có tên “Tuyên bố chuyển đổi từ than sang điện sạch toàn cầu”, với hơn 20 quốc gia lần đầu cam kết loại bỏ than hoặc ngừng đầu tư vào các nhà máy điện than trong nước và nước ngoài.

KHÔNG CÓ "BỘ BA" TIÊU THỤ THAN NHIỀU NHẤT THẾ GIỚI

Thủ tướng Anh Boris Johnson, đại diện nước chủ nhà COP26, trước đó bày tỏ mong muốn hội nghị thượng đỉnh này sẽ “chấm dứt sứ mệnh của than”. Tuy nhiên, thỏa thuận quan trọng này đã không có chữ ký của Mỹ – quốc gia tiêu thụ than lớn thứ ba thế giới.

Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ – “bộ ba” tiêu thụ than nhiều nhất thế giới – đều không tham gia thỏa thuận. Các quốc gia sử dụng và sản xuất than đá lớn khác như Australia và Nhật Bản, cũng không tham gia.

Dù đã đạt nhiều tiến bộ trong việc giảm sử dụng than, nguyên liệu này vẫn góp phần sản xuất khoảng 37% tổng điện năng toàn cầu năm 2019. Đây cũng là nguồn nhiên liệu giá rẻ và là nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện tại nhiều nước như Nam Phi, Ba Lan và Ấn Độ. Than đá là nhân tố riêng lẻ lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu.

Không chỉ thiếu vắng các “ông lớn” tiêu thụ than, thỏa thuận này cũng được đánh giá là “quá linh động” về mốc thời gian.

Theo thỏa thuận, các quốc gia đang phát triển tham gia thỏa thuận sẽ ngừng sử dụng than vào những năm 2030 hoặc “càng sớm càng tốt sau đó”. Còn các nước đang phát triển tham gia thỏa thuận cam kết dừng sử dụng than vào năm 2040 hoặc “càng sớm càng tốt sau đó”.

Tờ Finacial Times cho rằng đây là một “bước lùi đáng kể” so với mục tiêu loại bỏ than vào năm 2030 và 2040 lần lượt với nhóm nước phát triển và đang phát triển được ông Alok Sharma – Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26 – đề xuất trước đó.

Cựu Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband nhận định rằng vẫn tồn tại “khoảng trống rõ ràng” với thỏa thuận này khi ‘bộ ba” nước tiêu thụ than lớn Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ không đồng ý ngừng sử dụng than nội địa.

Theo nhà kinh tế học William Nordhaus, giáo sư Đại học Yale, một số quốc gia đang trốn tránh trách nhiệm bảo vệ khí hậu bởi cái giá phải trả cho việc này, đặc biệt là lợi nhuận bị mất khi từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, là rất lớn. Bên cạnh đó, hành động của các nước lớn cũng được xem là “kim chỉ nam” cho các quốc gia thu nhập thấp làm theo.

Hiện tại, Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nắm giữ phần lớn sản lượng kinh tế thế giới nhưng cũng chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn cầu hàng năm. Do đó, nhiều nước thu nhập thấp cho biết rằng hành động của họ sẽ phụ thuộc vào những nước giàu hơn.

Tại COP26, nhiều nhà lãnh đạo thế giới mong muốn thấy vai trò tiên phong của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với những cam kết mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, chính quyền của Tổng thống Joe Biden chưa có công cụ hiệu quả để hiện thực hóa các cam kết của mình. Hiện tại, điều khoản chống biến đổi khí hậu trị giá 555 tỷ USD của ông Biden đang vấp phải trở ngại từ Quốc hội Mỹ.

Nhận xét về quyết định không ký kết thỏa thuận than của Mỹ, một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Biden đang cố gắng không đưa ra lập trường rõ ràng về việc ngừng sử dụng than nhằm tránh làm phiền lòng những thượng nghị sĩ đến từ các bang phụ thuộc vào than đá.

CHƯA ĐỦ KHI CHỈ NHẮM VÀO THAN

Mục tiêu chính của các cuộc đàm phán tại COP26 là đảm bảo cam kết của các nước trong việc giảm phát thải khí nhà kính – chủ yếu từ than, dầu và khí tự nhiên – để đảm bảo nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp và tránh những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu. Để làm vậy, Liên hợp quốc (UN) và các nhà khoa học đối tác cảnh báo rằng thế giới phải "ngay lập tức và dốc toàn lực" giảm sử dụng nhiêu liệu hóa thạch.

COP26 diễn ra từ ngày 31/10-12/11/2021 - Ảnh: Getty Images
COP26 diễn ra từ ngày 31/10-12/11/2021 - Ảnh: Getty Images

Theo một báo cáo của Tổ chức Năng lượng quốc tế hồi tháng 5/2021, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần phải lập tức dừng ngay việc đầu tư vào các nhà máy điện than.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về khí hậu cho rằng các thỏa thuận tại COP26 “thiếu một cách nghiêm trọng” những điều cần thiết để giải quyết biến đổi khí hậu khi chỉ tập trung vào than đá – một ngành công nghiệp đã bước vào thời kỳ "suy tàn giai đoạn cuối" mà không nhắm tới dầu mỏ hay khí tự nhiên.

Murray Worthy, lãnh đạo chiến dịch của Nhóm Global Witness, cho rằng thỏa thuận về than ở trên "thậm chí không giải quyết được một nửa vấn đề. Phát thải từ dầu và khí đốt đã vượt xa than và đang tiếp tục bùng nổ, trong khi than đang đi vào giai đoạn suy giảm".

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Năng lượng và kinh doanh Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng vẫn tỏ ra lạc quan với thỏa thuận cam kết ngừng sử dụng than trên. “Than đá đang đi đến hồi kết. Thế giới đang đi đúng hướng. Bây giờ là lúc xây dựng một tương lai được nuôi dưỡng bằng các nguồn năng lược sạch”, ông Kwarteng chia sẻ, đồng thời đánh giá cao việc một số nước như Ba Lan, Việt Nam và Chile lần đầu cam kết chấm dứt sử dụng than theo lộ trình.

Giá than thế giới đang tăng cao do tình trạng thiếu hụt cục bộ cũng như nhu cầu điện tăng cao khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Hiện tại, dù đang phát triển nhanh chóng, các nguồn năng lượng tái tạo chưa thể bắt kịp nhu cầu điện tăng chóng mặt, khiến các nước phải tìm đến nhiên liệu hóa thạch để lấp chỗ trống. Kết quả là, nhiều nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch đang trải qua một trong những năm “màu mỡ” nhất khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đẩy giá các loại nhiên liệu hóa thạch lên mức cao chưa từng thấy.

Tại châu Âu, giá than đã tăng từ mức khoảng 70 USD/tấn hồi đầu năm lên 300 USD/tấn trong tháng 10 trước khi hạ nhiệt. Còn ở Trung Quốc, giá than cũng tăng chóng mặt trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng, đe dọa sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc đang phải vật lộn với nguồn cung than nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng mạnh trong khi Chính phủ cố gắng hạn chế các mỏ khai thác than và nhà máy điện than vì lý do an toàn và môi trường.