Trái chiều quan điểm việc phải có yêu cầu mới được bồi thường
Đại biểu mạnh mẽ yêu cầu bỏ, Bộ trưởng nói dứt khoát không thể bỏ quy định người bị làm oan, sai phải có yêu cầu mới được bồi thường
Đại biểu mạnh mẽ yêu cầu bỏ, Bộ trưởng nói dứt khoát không thể bỏ, quy định người bị làm oan, sai phải có yêu cầu mới được bồi thường là vấn đề được tranh luận sôi nổi chiều 11/11 tại Quốc hội.
Đó là phiên thảo luận về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhấn mạnh luật này có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức và phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, khoản 3 điều 4 (về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước) quy định “Nhà nước chỉ bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường”, đại biểu thấy chưa đạt được điều đó. Vì nặng về bồi thường trong tố tụng và thi hành án mà hạn chế rất nhiều trách nhiệm của cơ quan hành chính.
"Quyền được bồi thường là quyền được Hiến định tại điều 30 của Hiến pháp 2013. Bộ luật Hình sự 2015, điều 598 đã quy định việc bồi thường do cán bộ công chức gây ra được thực hiện theo luật bồi thường Nhà nước. Nghĩa vụ của luật này là phải thực hiện nguyên tắc bồi thường ngoài hợp đồng, mà một trong những nguyên tắc cơ bản là thiệt hại thực tế phải được bồi thường đầy đủ và kịp thời. Việc quy định Nhà nước chỉ bồi thường khi có văn bản làm căn cứ và có yêu cầu bồi thường là mâu thuẫn với nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều này đã làm giảm rất nhiều hiệu lực khởi kiện với các quyết định hành chính - mà tham nhũng xảy ra ở đó, cửa quyền xảy ra ở đó, gây ra thiệt hại rất nhiều cho công dân, như việc chậm trễ làm các thủ tục khiến người dân mất cơ hội làm ăn” vị đại biểu An Giang lập luận.
Theo ông, văn bản quy định ở khoản 3 điều 4 thực ra là chứng cứ để chứng minh việc oan sai do cán bộ gây ra. Nếu coi đây là nguyên tắc là hoàn toàn sai lầm và vô hình trung luật đã khiến rất nhiều cơ quan Nhà nước không phải bồi thường. Đề nghị của đại biểu là cần bỏ khoản này.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) băn khoăn về quy định 5 loại văn bản “làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”. Vì, có những trường hợp người thi hành công vụ quyết định sai, vi phạm pháp luật nhưng căn cứ để yêu cầu bồi thường không nằm trong 5 điều này.
Ông Học nêu một trường hợp đã xảy ra trong thực tế, đó là tòa phúc thẩm tuyên thua kiện, người dân đã phải bán nhà để thi hành án, nhưng giám đốc thẩm tuyên hủy vì quá trình xét xử không đúng. Không có văn bản nào cho thấy hội đồng xét xử làm sai, mà chỉ nói là thu thập chứng cứ không đầy đủ nên tuyên sai. Công dân yêu cầu khởi kiện để bồi thường thì không có cơ sở.
"Bởi vậy, tôi đề nghị quy định cứ ra kết luận sai gây thiệt hại thì phải bồi thường, chứ không quy định phải có văn bản làm căn cứ”, ông Học phát biểu.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng việc phải có văn bản đã có hiệu lực pháp luật xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc bản án làm căn cứ yêu cầu bồi thường đã “thu hẹp rất nhiều cánh cửa để người dân yêu cầu bồi thường Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý hành chính, lĩnh vực rất rộng lớn và rất nhiều vi phạm”.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Không thể bỏ khoản 3 điều 4.
“Chúng ta phải xác định rõ đây là luật về quy trình, thủ tục, cách tính thiệt hại, thời gian bồi thường... Đây không phải là luật nội dung, không xác định các loại tài sản và cũng không xác định việc tại sao lại oan, tại sao lại sai, mà chỉ điều chỉnh phạm vi quan hệ giữa Nhà nước với công dân trong trách nhiệm thi hành công vụ. Chính vì xử lý phạm vi và quan hệ của luật này là như vậy, nên không thể bỏ được khoản 3 điều 4, vì luật này không tính đến tính đúng sai, mà cần phải có văn bản làm căn cứ mới bồi thường được", Bộ trưởng nói.
Đồng thời nhấn thêm: đây là điều dứt khoát không bỏ được, vì nếu bỏ thì không còn căn cứ nào nữa để bồi thường, toàn bộ triết lý về bồi thường là bỏ đi.
Về quan điểm Nhà nước chủ động bồi thường, chủ động xin lỗi khi cảm thấy chắc chắn làm sai, Bộ trưởng cho rằng cách tiếp cận gốc rễ của luật này là mặc dù là quan hệ hành chính, nhưng xử lý quan hệ theo nguyên tắc dân sự: người có quyền phải chủ động thực hiện quyền của mình. Đây là nguyên tắc cơ bản. Trong mọi trường hợp, phải có yêu cầu của người bị thiệt hại.