17:03 13/07/2008

Trái phiếu: Điểm trú chân không còn an toàn

Với việc giá trái phiếu giảm vây các ngân hàng thương mại có khoản đầu tư trái phiếu liệu có chịu rủi ro?

Với những đơn vị huy động vốn vay để đầu tư trái phiếu, nhất là các ngân hàng thương mại, thì trái phiếu giai đoạn này thực sự là... trái đắng.
Với những đơn vị huy động vốn vay để đầu tư trái phiếu, nhất là các ngân hàng thương mại, thì trái phiếu giai đoạn này thực sự là... trái đắng.
Một năm trước, khi thị trường chứng khoán bắt đầu suy giảm, không ít nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm vì có tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu lớn. Tuy nhiên, điểm "trú bão" này đang lung lay, thậm chí không kém phần "nguy hiểm" khi mức lãi suất ngân hàng tăng cao như hiện nay.

Trái phiếu được bán với giá rẻ

Từ cuối tháng 5/2008 đến nay, trái phiếu Chính phủ với thời gian đáo hạn ngắn, dưới 2 năm, được giao dịch với lợi suất cao, lên tới 25%, thậm chí 30%.

Các loại trái phiếu có thời gian đáo hạn từ 5 năm trở lên được giao dịch với mức lợi suất thấp hơn, khoảng 14 - 16%.

Giá giao dịch trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng chỉ còn khoảng 75.000 đồng nếu thời gian đáo hạn 5 năm, khoảng 80.000 đồng nếu thời gian đáo hạn trên 5 năm.

Hiện nay, nhà đầu tư không chọn mua trái phiếu để hưởng lãi suất 9%/năm với tính thanh khoản thấp, trong khi họ có thể lựa chọn gửi tiết kiệm không kỳ hạn ở ngân hàng thương mại với mức lãi suất khoảng 8%/năm (tính thanh khoản cao) hoặc gửi có kỳ hạn, hưởng lãi suất 18 - 19%/năm.

Đây là lý do chính khiến trái phiếu được bán với giá rẻ.

Hành động này khiến những nhà đầu tư đã mua trái phiếu trước đây gánh chịu một khoản lỗ không nhỏ.

Thực tế, khi lãi suất ngân hàng cao, họ buộc phải tăng tỷ lệ chiết khấu để bán được trái phiếu, nhất là khi dự đoán lãi suất ngân hàng có thể tiếp tục tăng.

Đối với nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi và không sử dụng vốn vay để đầu tư trái phiếu thì áp lực chịu lỗ để bán trái phiếu không cao, dù trên thực tế, nếu so sánh với mức lạm phát và lãi suất ngân hàng, họ đang có khoản đầu tư âm.

Tuy nhiên, với những đơn vị huy động vốn vay để đầu tư trái phiếu, nhất là các ngân hàng thương mại, thì trái phiếu giai đoạn này thực sự là... trái đắng.

Bởi 1 năm trước, họ huy động vốn với chi phí khoảng 8%/năm để hưởng lợi từ đầu tư trái phiếu Chính phủ lãi suất khoảng trên 9%/năm, nhưng giờ đây, cũng vẫn khoản thu về trên 9% mỗi năm, tỷ lệ phải trả vốn vay lên tới 18 - 21%!

Đầu tháng 6/2008, khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản VND lên 14%, tỷ lệ chiết khấu trái phiếu kỳ hạn 2 - 3 năm tăng đột biến.

Không ít nhà đầu tư với tâm lý lo sợ lãi suất ngân hàng có thể lên tới 25% nên đã đẩy tỷ lệ chiết khấu này cao vụt. Hàng loạt giao dịch trái phiếu lớn được thực hiện với mức giá siêu rẻ, khoảng 65.000 đồng/trái phiếu (mệnh giá 100.000 đồng).

Với mức chiết khấu cao như vậy, nhiều nhà đầu tư cá nhân có tiền nhàn rỗi cảm thấy đây là khoản đầu tư rất hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán khi đó chưa có dấu hiệu phục hồi.

Nhưng trái phiếu thường được bán theo lô lớn, giá trị lên tới vài chục tỷ đồng, các nhà đầu tư cá nhân đành nhìn nhau bỏ qua vì không đủ khả năng tài chính.

Cuối cùng, đơn vị ôm được các gói trái phiếu với mức lợi suất cao chủ yếu thuộc về các ngân hàng nước ngoài (nơi các nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản lưu ký và giao dịch trái phiếu).

Cuối tháng 6/2008, khi thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và việc huy động vốn của các ngân hàng đã bớt phần căng thẳng, lợi suất trái phiếu giao dịch giảm còn khoảng 20%, cung giảm mạnh trong khi cầu tăng lên.

Việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giải trình phương án kinh doanh nếu có mức lãi suất huy động bình quân trên 17,5%/năm khiến nhà đầu tư kỳ vọng có thể làm giảm lãi suất huy động vốn của khối ngân hàng thương mại, giảm áp lực bán trái phiếu, nhờ đó làm tăng giá trái phiếu.

Tuy nhiên, đầu tuần này, giao dịch trái phiếu đột nhiên sôi động với mức lợi suất tăng trở lại, mà nguồn cung chủ yếu xuất phát từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Dường như các nhà đầu tư này đang nhạy cảm "hơn mức bình thường" đối với mỗi động thái của lãi suất trên thị trường.

Các ngân hàng thương mại có gặp rủi ro?

Với diễn biến của giá trái phiếu như vậy, một câu hỏi đặt ra là: các ngân hàng thương mại có khoản đầu tư trái phiếu liệu có chịu rủi ro?

Một số ý kiến cho rằng, các khoản đầu tư trái phiếu của ngân hàng đã được giải ngân từ trước, với nguồn tài trợ vốn có chi phí thấp, nên không chịu rủi ro nếu không bán ra trái phiếu.

Tuy nhiên, một luồng quan điểm trái chiều cho rằng, ngân hàng thương mại đang chịu lỗ nhiều, vì ai có thể biết được họ dùng nguồn vốn nào để tài trợ đầu tư trái phiếu? Hơn nữa, làn sóng tăng lãi suất thời gian qua khiến không ít người gửi tiết kiệm sẵn sàng rút sớm để gửi tiết kiệm mới nhằm hưởng lãi suất cao hơn.

Vì thế, không ít ngân hàng thương mại đang phải dùng vốn vay chi phí không dưới 18%/năm để tài trợ cho khoản đầu tư trái phiếu có lãi suất khoảng 9%/năm. Thực tế, rất ít đơn vị mua trái phiếu với mục đích đầu tư dài hạn, mà chủ yếu là để kinh doanh.