10:51 10/10/2012

Tranh chấp Trung - Nhật đã len sâu vào kinh tế

An Huy

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tới dự hội nghị thường niên IMF và WB

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, đã xấu đi trong thời gian gần đây do tranh chấp quần đảo trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, đã xấu đi trong thời gian gần đây do tranh chấp quần đảo trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này sẽ không dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tới dự hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Tokyo trong tuần này.

Hãng tin tài chính dẫn nguồn tin Tân Hoa Xã cho biết, Phó thống đốc PBoC Yi Gang và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tới dự các hội nghị nói trên. Bản tin của Tân Hoa Xã không đề cập tới hai người đứng đầu hai cơ quan này là Thống đốc Zhou Xiaochuan và Bộ trưởng Xie Xuren.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, đã xấu đi trong thời gian gần đây do tranh chấp quần đảo trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku. Bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không tham dự các cuộc họp của IMF và WB tại Tokyo lần này.

“Tôi tin rằng, đây là phản ứng trước căng thẳng song phương xung quanh tranh chấp đảo. Trung Quốc đang gửi thông điệp rằng họ không hài lòng với những gì đang diễn ra”, ông Patrick Bennett, một chiến lược gia cao cấp thuộc ngân hàng Imperial Bank of Commerce của Canada ở Hồng Kông nhận xét.

Theo chương trình làm việc đã có, thì Thống đốc PBoC Zhou Xiaochuan sẽ có bài phát biểu tại các sự kiện của IMF và Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Tokyo. Hiện PBoC chưa đưa ra thông tin gì về việc ông Zhou có tham gia các sự kiện này hay không.

Theo một bài bình luận trên trang NBC News, căng thẳng Trung-Nhật về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có thể sẽ gây ảnh hưởng bất lợi hơn đối với Nhật Bản giữa lúc nền kinh tế này đang đối diện khó khăn từ mọi phía.

Phong trào tẩy chay hàng Nhật đã khiến xuất khẩu hàng hóa Nhật sang Trung Quốc đại lục giảm mạnh. Doanh số tháng 9 của các hãng xe Nhật tại Trung Quốc đồng loạt lao dốc trong tháng 9 vừa qua, điển hình là doanh số của Tokyo giảm chừng một nửa. Số du khách Trung Quốc sang Nhật cũng đang suy giảm nhanh chóng.

Bên cạnh đó, tài nguyên cũng có thể được phía Trung Quốc sử dụng như một thứ “vũ khí”. Trung Quốc kiểm soát 90% sản lượng đất hiếm của thế giới, mà Nhật Bản rất cần tới loại khoáng sản này cho sản xuất các mặt hàng công nghệ cao. Tháng trước, Bắc Kinh đã cắt giảm 1/3 số giấy phép khai mỏ đất hiếm. Bằng cách thắt chặt xuất khẩu đất hiếm, Trung Quốc có thể buộc các công ty Nhật phải trả mức giá cao hơn để có mặt hàng này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đánh vào chuỗi cung cấp của Nhật Bản, Trung Quốc có thể phải gánh những hậu quả không mong muốn. Trong 15 năm qua, có khoảng 80 tỷ vốn đầu tư của Nhật đổ vào Trung Quốc, và một phần lớn số vốn này nằm ở chuỗi cung cấp của các tập đoàn đa quốc gia của Nhật. Nếu các công ty Nhật rời đi, người Trung Quốc sẽ mất không ít việc làm.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn Trung-Nhật cũng có thể ảnh hưởng xấu tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thương mại. Tháng trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo rằng, thương mại toàn cầu sẽ chỉ tăng 2,5% trong năm nay, bằng một nửa mức tăng trung bình hàng năm của 20 năm qua, do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Hôm 9/10, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay xuống còn 3,3%, từ mức dự báo 3,5% đưa ra hồi tháng 4.