11:22 13/03/2007

Triển vọng thành lập “OPEC khí đốt”

Quốc Trung

Một liên minh các nước xuất khẩu khí đốt có thể được thành lập, dẫn đến sự thay đổi lớn trên thị trường năng lượng thế giới

Cùng với dầu lửa, khí đốt là nguồn năng lượng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Cùng với dầu lửa, khí đốt là nguồn năng lượng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Nga và Iran, hai nước chiếm gần 50% tổng trữ lượng khí đốt thế giới, vừa đề cập khả năng thành lập một tổ chức các nước xuất khẩu khí đốt theo kiểu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Đây được đánh giá là một động thái có thể làm đảo lộn các thị trường năng lượng và vẽ lại bản đồ địa-chính trị toàn cầu.

Ý tưởng thành lập “OPEC khí đốt” làm xôn xao dư luận tại những nước sử dụng nhiều khí đốt, nhất là tại châu Âu, nơi nhập khẩu tới 1/4 nhu cầu khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích năng lượng nhận định, việc thành lập “OPEC khí đốt” là rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

EU lo ngại về nguồn cung năng lượng

Sau chuyến thăm Iran gần đây của Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, báo Kommersant của Nga đã dẫn lời nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei, rằng: "Trong khi hỗ trợ lẫn nhau, hai nước Iran và Nga có thể tạo ra một tổ chức hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tương tự như OPEC".

Bởi vậy, một liên minh khí đốt theo kiểu OPEC là hoàn toàn có thể thành hiện thực một khi các nước Nga, Iran và một loạt các nước xuất khẩu khí đốt liên minh với nhau.

Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Công nghiệp và năng lượng Nga Viktor Khristenko, mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Chakib Khelil cũng cho rằng có khả năng thành lập một thị trường khí hóa lỏng trong vòng 20-30 năm tới giống như thị trường dầu mỏ hiện nay.

Trước các động thái nêu trên, các nước châu Âu đang quan tâm, lo lắng và luôn chỉ ra các khó khăn của việc thành lập một liên minh khí đốt.

Cùng với dầu lửa, khí đốt đang là nguồn năng lượng hết sức quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Các cuộc chiến tranh khí đốt xảy ra gần đây càng khẳng định vị thế của khí đốt trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, các quốc gia nắm giữ phần lớn sản lượng khí đốt của thế giới chưa liên kết với nhau để chi phối thị trường. Điều này hoàn toàn trái ngược với thị trường dầu mỏ, nơi OPEC kiểm soát sản lượng nhằm giữ cho giá “vàng đen” có lợi cho họ. Khí đốt hiện vẫn chỉ được mua bán tại những thị trường manh mún.

Ước tính, với sản lượng khí chiếm trên 30% và lượng khí dự trữ trên 60% của thế giới, bốn nước Nga, Algeria, Qatar và Iran có thể thực sự là một liên minh khí đốt tầm cỡ nếu họ thống nhất với nhau về giá cả và các đối tượng được cung cấp. Nga dẫn đầu thế giới về trữ lượng khí đốt với gần 1.688.046 tỷ feet khối, sau đó là Iran với 943.922 tỷ feet khối và Qatar là 910.140 tỷ feet khối.

Các nước sản xuất khí đốt thiên nhiên đang không hài lòng với chính sách năng lượng của châu Âu, do EU luôn đưa ra những điều kiện để các nhà tiêu dùng có thể định giá với các nhà sản xuất. Nếu OPEC khí đốt xây dựng thành công thì cơ hội để Liên minh EU tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế tại các quốc gia Trung Á sẽ trở nên khó khăn hơn.

Gần đây, Gazprom và hãng Sonatrach của Algeria đã ký thỏa thuận hợp tác về khai thác, vận chuyển và bán khí đốt. Thỏa thuận này đã làm EU lo lắng về tình trạng độc quyền một khi liên minh này được thành lập.

Những trở ngại của “Liên minh khí đốt”

Từ cuối năm 2006, Nga đã chủ động đề xuất ý kiến xây dựng liên minh hợp nhất các nhà xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ trong phạm vi SNG với vai trò chủ đạo của Nga và Tập đoàn Gazpom sẽ chịu trách nhiệm chính.

Ý tưởng thành lập OPEC khí đốt sẽ sáp nhập tất cả các nhà xuất khẩu trong khu vực SNG và tiến tới sẽ sáp nhập cả Iran, Angeria, Qatar, Libi... nhằm khống chế 2/3 nguồn năng lượng của thế giới, thiết lập một cơ cấu khai thác và vận chuyển khép kín, hướng tới mục tiêu giám sát chủ động các nguồn năng lượng lớn, áp đặt và duy trì các chính sách ngoại giao dựa trên sức ép năng lượng.

Việc thành lập OPEC khí đốt thể hiện sự bất mãn của các nước cung cấp đối với thị trường khí đốt quốc tế. Hãng tư vấn năng lượng PIRA của Mỹ nhận định, sau khi đầu tư hàng tỷ USD để tăng sản lượng khai thác khí đốt trong 5 năm qua, các nước cung cấp khó có thể bán khí đốt với mức giá theo ý muốn.

Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar Hamad al-Attiya cho rằng, hầu hết các hợp đồng cung cấp khí đốt đều là dài hạn, kéo dài tới hơn 20 năm với chi phí sản xuất khí đốt hoá lỏng (LNG) được tính toán trước.

Nhiều nhà phân tích năng lượng nhận định, việc thành lập OPEC khí đốt là rất khó khăn do cơ cấu thị trường khu vực và vì hiện nay giá khí đốt chưa được thả nổi.

Một “OPEC khí đốt” hoàn toàn có thể được thành lập nhưng sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian, trong đó có việc các nước thành viên phải nghiêm chỉnh tuân thủ các hạn ngạch sản xuất do họ đề ra.

Việc các nước xuất khẩu khí đốt đã lập ra một một diễn đàn nội khối nhưng chưa đưa ra được một quyết định cụ thể nào cho thấy việc thành lập OPEC khí đốt lại càng khó khăn hơn nhiều.

Theo Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Algeria Sakip Khelin, thị trường khí đốt khác thị trường dầu mỏ ở chỗ thị trường dầu mỏ có giá trị được xác định rõ và đáp ứng quy luật cung-cầu, trong khi thị trường khí đốt lại mang tính khu vực (châu Á, châu Âu, hay châu Mỹ).

Vì vậy, Algeria cho rằng việc thành lập một liên minh kiểu này chỉ có thể khả thi và hiệu quả trong khoảng 10-20 năm tới, khi các cơ sở hạ tầng hóa lỏng khí đốt cho phép vận chuyển khí đốt tới tất cả các nơi trên thế giới.

Dù có nhiều khó khăn, song giới phân tích cho rằng, với những lợi ích chờ đợi phía trước, trong bối cảnh thế giới ngày càng khan hiếm năng lượng, đề xuất này sẽ dần dần nhận được thêm nhiều sự ủng hộ và chắc chắn sẽ là một trọng tâm thảo luận tại Diễn đàn các nước sản xuất và xuất khẩu khí đốt họp tại Qatar vào tháng 4 tới, với sự có mặt của cả Nga và Algeria.