Triều Tiên trả hài cốt binh sỹ Mỹ, ông Trump cảm ơn ông Kim Jong Un
Việc Triều Tiên trao trả hài cốt binh sỹ Mỹ được coi là một thắng lợi ngoại giao đối với Tổng thống Donald Trump
Triều Tiên ngày 27/7 đã trao cho Mỹ 55 bộ hài cốt được cho là của binh sỹ Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, thực hiện một trong những cam kết đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore vào tháng trước.
Theo hãng tin Reuters, việc Triều Tiên trao trả hài cốt binh sỹ Mỹ được coi là một thắng lợi ngoại giao đối với Tổng thống Donald Trump. Khi gặp ông Trump hôm 12/6, ngoài lời hứa phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un còn hứa sẽ trao trả hài cốt các binh sỹ Mỹ tử trận ở Triều Tiên cách đây hơn 6 thập kỷ.
"Sau rất nhiều năm, đây là một khoảnh khắc tốt lành đối với nhiều gia đình. Xin gửi lời cảm ơn đến ông Kim Jong Un", ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
Nhà Trắng cho biết một máy bay vận chuyển của quân đội Mỹ đã bay tới thành phố Wonsan ở phía Đông Bắc Triều Tiên để nhận số hài cốt trên và đưa tới căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc. Tuần tới, số hài cốt này sẽ được chuyển về Hawaii để thực hiện các thủ tục đối với binh sỹ Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA).
Dù diễn ra chậm hơn dự kiến, động thái trên của Triều Tiên được xem là một sự thể hiện thiện chí, và làm dấy lên những hy vọng về cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng. Dù cam kết phi hạt nhân hóa, Triều Tiên đến nay chưa đưa ra một chi tiết cụ thể nào về việc thực thi cam kết này.
Trong một phiên điều trần vào hôm thứ Tư tuần này trước Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Triều Tiên vẫn đang sản xuất nhiên liệu cho bom hạt nhân dù đã bắt đầu phá dỡ một khu thử tên lửa.
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 27/7 cho biết nước này và Triều Tiên sẽ tiến hành đàm phán quân sự cấp tướng để bàn về các biện pháp giảm căng thẳng giữa hai miền như đã cam kết trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4.
Thời gian qua, Bình Nhưỡng thường xuyên kêu gọi chính thức kết thúc chiến tranh giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, gọi đây là "bước đi đầu tiên cho hòa bình" và là một biện pháp quan trọng củng cố sức nặng cho lời hứa đảm bảo an ninh mà Washington đưa ra để đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.