10:58 15/01/2008

Trung - Ấn đẩy mạnh hợp tác kinh tế

Quốc Trung

Năm 2007, kim ngạch thương mại Trung - Ấn đạt 37, 8 tỷ USD, gấp 33 lần so với năm 1995 và tăng trưởng bình quân 34% mỗi năm

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thương mại song phương và giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới là nội dung chính của chuyến thăm tới Trung Quốc lần này của Thủ tướng Ấn Độ.
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thương mại song phương và giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới là nội dung chính của chuyến thăm tới Trung Quốc lần này của Thủ tướng Ấn Độ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày, ngày 14/1, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác và đầu tư, thương mại Trung-Ấn.

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thương mại song phương và giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới là nội dung chính của chuyến thăm này.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Singh kể từ khi ông đảm nhận chức vụ thủ tướng Ấn Độ năm 2004. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm khi trao đổi thương mại giữa Trung Quốc Ấn Độ đang phát triển mạnh. Hai nước đã nhất trí đạt mục tiêu 40 tỷ USD vào năm 2010.

Thương mại, điểm nổi bật trong quan hệ Trung-Ấn

Cũng trong ngày 14/1, ông Singh cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồi Lương Ngọc đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh hợp tác và đầu tư, thương mại Trung-Ấn, tổ chức tại Bắc Kinh. Hơn 600 quan chức, các doanh nghiệp của hai nước đã dự hội nghị này.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng M.Singh cho rằng, Trung Quốc và Ấn Độ hiện là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Hợp tác kinh tế sẽ trở thành động lực quan trọng trong chiến lược phát triển hoà bình, phồn vinh của mỗi nước.

Ông khẳng định, chính phủ hai nước sẽ nỗ lực đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề: dỡ bỏ hàng rào thuế quan; quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển quan hệ đầu tư thương mại, kinh tế song phương. Hai bên đã bàn thảo chi tiết, cụ thể về các biện pháp tăng cường xuất nhập khẩu, hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng...

Năm 2007, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 37, 8 tỷ USD, gấp 33 lần so với năm 1995 và tăng trưởng bình quân 34% mỗi năm. Ấn Độ đã trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Ấn Độ lo ngại về thâm hụt thương mại

Tháp tùng Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là một phái đoàn lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Kamal Nath. Phát biểu với các phóng viên trước khi đoàn rời Ấn Độ, Thư ký đối ngoại Ấn Độ Shiv Shankar Menon đánh giá chuyến thăm sẽ là một sự kiện kinh tế lớn.

Ông cho biết quan hệ thương mại song phương đã có sự tăng trưởng ấn tượng, song trong những năm gần đây cán cân thương mại đã nghiêng về phía Trung Quốc. Vì vậy hai nước đã thành lập một nhóm nghiên cứu chung với mục tiêu thúc đẩy Ấn Độ bán nhiều hàng hoá hơn nữa cho Trung Quốc.

Mặc dù cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang là những nền kinh tế mới nổi có tốc độ phát triển mạnh, tạo ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng quốc tế, song giới kinh doanh Ấn Độ vẫn tỏ ra lo ngại về mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng từ 4 tỷ USD lên 9,6 tỷ USD kể từ năm 2006 và có thể vượt 12 tỷ USD vào cuối năm tài chính 2008. Các doanh nghiệp Ấn Độ cho rằng, nước này nên tận dụng cơ hội hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực: du lịch, giáo dục và truyền thông, để giảm mức thâm hụt thương mại song phương.

Giới kinh doanh của Ấn Độ cũng phàn nàn về các rào cản thương mại mà phía Trung Quốc áp đặt với các mặt hàng của Ấn Độ, trong khi trên thị trường Ấn Độ đang tràn ngập các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Ngoài Thủ tướng Ôn Gia Bảo, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ còn hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc như Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc. Ông M.Singh còn tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập nhóm y tế chung Trung Quốc - Ấn Độ, thăm các địa điểm thi đấu của Thế vận hội Bắc Kinh 2008, phát biểu tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc...

Trước chuyến thăm Trung Quốc, trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa, ông Singh khẳng định, ông đến Trung Quốc với quan điểm trao đổi thẳng thắn về tất cả các vấn đề liên quan đến lợi ích chung trên tinh thần củng cố một mối quan hệ song phương phù hợp với lợi ích và định hướng tương lai của hai nước.