08:19 08/11/2016

Trung Quốc can thiệp vào Hồng Kông mạnh nhất từ 1997

Bình Minh

Hai nghị sỹ Hồng Kông đòi độc lập sẽ không thể tham gia cơ quan lập pháp

Biểu tình ở Hồng Kông ngày 6/11 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.<br>
Biểu tình ở Hồng Kông ngày 6/11 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.<br>
Quốc hội Trung Quốc ngày 7/11 đã thông qua một quy định khiến hai nghị sỹ Hồng Kông đòi độc lập cho vùng lãnh thổ này không thể tham gia cơ quan lập pháp Hồng Kông.

Đây được xem là động thái can thiệp trực tiếp nhất của Bắc Kinh vào hệ thống pháp luật và chính trị của Hồng Kông kể từ khi vùng lãnh thổ được Anh chuyển giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Theo tin từ Reuters, Quốc hội Trung Quốc (NPC) đã thông qua quy định rằng tất cả các nghị sỹ bắt buộc phải tuyên thệ rằng Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, và người nào thay đổi lời tuyên thệ, không tuyên thệ một cách nghiêm túc và trang trọng sẽ đều bị bãi nhiệm nghị sỹ.

Vào cuối tuần vừa rồi, thông tin về việc NPC có thể thông qua một quy định như vậy đã dẫn tới biểu tình lớn ở Hồng Kông. Khoảng 11.000 người biểu tình đã đổ ra các đường phố ở Hồng Kông để phản đối việc Bắc Kinh can thiệp. Nhiều người biểu tình đã sử dụng ô để chống đỡ khi cảnh sát xịt hơi cay, khiến gợi nhớ lại những hình ảnh của phong trào biểu tình đòi dân chủ hồi năm 2014.
 
Việc đòi độc lập từ lâu là một điều “cấm kỵ” ở Hồng Kông, đặc khu hành chính theo quy chế “một quốc gia, hai chế độ” kể từ năm 1997.

“Bản chất của việc Hồng Kông độc lập là chia cắt đất nước [Trung Quốc]. Điều này vi phạm nghiêm trọng chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’. Chính phủ trung ương đặc biệt lo ngại về những hậu quả tai hại mà các lực lượng đòi độc lập cho Hồng Kông có thể gây ra cho đất nước”, ông Li Fei, Chủ tịch Ủy ban Luật Cơ bản thuộc NPC, phát biểu.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố chính quyền thành phố sẽ tuân thủ đầy đủ cách diễn giải của NPC về Luật Cơ bản của Hồng Kông, tức hiến pháp của vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ điều này có đồng nghĩa với việc hai nghị sỹ “có vấn đề” sẽ bị bãi nhiệm hay không.

Sự can thiệp của Bắc Kinh diễn ra sau khi hai nghị sỹ ủng hộ dân chủ của Hồng Kông là Yau Wai-ching và Baggio Leung trong khi tuyên thệ nhậm chức tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông hồi tháng 10, đã thề trung thành với “dân tộc Hồng Kông” và giơ biểu ngữ viết “Hồng Kông không phải là Trung Quốc”.

Đáp trả hành động này của hai nghị sỹ, trưởng đặc khu Lương Chấn Anh, một người thân Trung Quốc, đã đề nghị tòa án Hồng Kông ra phán quyết loại Yau, 25 tuổi, và Leung, 30 tuổi, khỏi nghị viện Hồng Kông. Hiện tòa án Hồng Kông vẫn đang xem xét trước khi ra quyết định hai nghị sỹ có thể tuyên thệ lại hay bị bãi nhiệm.

Hiến pháp của Hồng Kông trao cho NPC quyền diễn giải cao hơn tòa án cấp cao nhất của Hồng Kông. Từ năm 1997 đến nay, NPC đã ra 4 phán quyết đối với hiến pháp Hồng Kông, nhưng lần này là lần đầu tiên Bắc Kinh “phủ đầu” một vụ kiện tại tòa án Hồng Kông.

Hồi năm 2014, phong trào biểu tình đòi độc lập cho Hồng Kông đã khiến nhiều khu vực của thành phố giữ vai trò trung tâm tài chính của châu Á này tê liệt, đồng thời đặt ra một trong những thách thức chính trị lớn nhất đối với Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

“Sự việc cho thấy Luật Cơ bản là một tài liệu pháp lý què quặt, và hiến pháp này hoàn toàn có thể bị sửa đổi và điều khiển theo ý muốn của Trung Quốc”, Joshua Wong, 20 tuổi, một trong những thủ lĩnh của cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2014, nói.