08:33 19/02/2008

Trung Quốc, “cứu cánh” của kinh tế thế giới

Kiều Oanh

Trước viễn cảnh không mấy tươi sáng của kinh tế thế giới, có một thông tin tốt lành là Trung Quốc đang trở thành một quốc gia tiêu dùng

Người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tiêu mạnh tay hơn.
Người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tiêu mạnh tay hơn.
Trước viễn cảnh không mấy tươi sáng của kinh tế thế giới, có một thông tin tốt lành là Trung Quốc đang trở thành một quốc gia tiêu dùng.

Năm 2007 đã chứng kiến một cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà kinh tế học về sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng, xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế này, trong khi một số khác lại tin rằng, nhu cầu trong nước mới là đầu tàu chính.

Vào lúc này, câu hỏi lớn nhất đặt ra là kinh tế Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng ở mức độ nào nếu kinh tế Mỹ suy thoái và tiêu dùng nội địa của Trung Quốc sẽ tác động tích cực ra sao đối với kinh tế thế giới. Nhiều số liệu thống kê mới đây cho thấy, nhu cầu nội địa của Trung Quốc đang tăng với tốc độ đủ nhanh để bù đắp lại sự giảm sút nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu. Và đây quả thực là một tin tốt đối với nền kinh tế thế giới nói chung.

Xuất khẩu ròng giảm vai trò

Năm ngoái, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc tăng lên tới mức 10% GDP của nước này. Như vậy có nghĩa là Trung Quốc sản xuất nhiều hơn những gì mà nước này tiêu thụ và phụ thuộc vào thị trường bên ngoài để “giải phóng” lượng hàng dư thừa. Nhưng chính sự thay đổi trong thặng dư thương mại của một quốc gia, chứ không phải không phải con số tuyệt đối của nó, mới có tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Sự tăng lên của xuất khẩu ròng từ lâu vẫn là nguồn lực chính của tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trước đây, xuất khẩu ròng đóng góp khoảng 2 – 3% trong tốc độ tăng GDP của Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2007, trong khi nhu cầu nội địa bao gồm đầu tư và tiêu dùng đóng góp từ 8 – 9%.

Nhưng những con số mới đây nhất cho thấy, xuất khẩu đã chiếm một vị trí ít quan trọng hơn đối với tăng trưởng. Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2007, xuất khẩu ròng chỉ chiếm có 0,4% trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng chỉ tăng chậm lại chút ít, xuống còn 11,2% trong tháng 12 so với mức 11,5% trong tháng 11, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu nội địa. Hiện đầu tư và tiêu dùng trong nước đóng góp 10,8% trong tăng trưởng GDP - một con số khá ấn tượng.

Điều quan trọng là, GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống mức 9 - 10% trong năm 2008 này, nhưng nếu tiêu dùng và đầu tư trong nước đóng góp một phần lớn hơn trong tốc độ tăng GDP, Trung Quốc có thể đóng góp ở mức nhiều hơn vào nhu cầu của thế giới so với trong năm 2007.

Một số nhà phân tích dự báo, đóng góp của xuất khẩu ròng vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 0% trong năm 2008 này, nhưng sự sụt giảm này sẽ được bù đắp một phần nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư và tiêu dùng nội địa.

Sau khi tăng trưởng với tốc độ bình quân 80 tỷ USD hàng năm trong 3 năm trở lại đây, thặng dư thương mại của Trung Quốc có thể sẽ chỉ tăng hoặc giảm nhẹ trong năm nay. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm từ mức 28% trong năm kết thúc vào quý 1 năm 2007 xuống còn 22% trong năm tính đến quý 4 năm ngoái do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ suy yếu và ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ lên giá.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng từ mức 18% lên mức 26% nhờ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước. Nói cách khác, nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng mạnh hơn so với xuất khẩu. Thặng dư thương mại của Trung Quốc (tính bằng đồng USD) chỉ tăng có 12% trong năm tính đến quý 4 của năm ngoái, so với mức tăng gần 90% trong quý 1 của năm ngoái.

Đây một phần là kết quả của việc giá xăng dầu tăng cao làm tăng giá trị nhập khẩu, tuy nhiên, cả khi đã tính đến lạm phát thì thặng dư thương mại của Trung Quốc trong nửa sau của năm 2007 cũng đã không tăng thêm.

Người Trung Quốc “mở ví” nhiều hơn

Nhu cầu trong nước ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc còn là một dấu hiệu cho thấy sự dịch chuyển của nền kinh tế này từ đầu tư sang tiêu dùng. Một nhà kinh tế học tính toán rằng, trong năm 2007, lần đầu tiên trong 7 năm qua, tiêu dùng đã chiếm một tỷ trọng lớn hơn so với đầu tư trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Những hạn chế của Chính phủ Trung Quốc đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng đã khiến tăng trưởng đầu tư của nước này chậm lại chút ít, trong khi tiêu dùng lại có xu hướng tăng lên.

Các số liệu thống kê thường được viện dẫn cho thấy, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc hiện vẫn tăng với tốc độ bình quân hàng năm trên 20%. Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng, đây là những con số thiếu chính xác, và con số thực tế có thể chỉ ở mức 11% trong năm kết thúc vào quý 4 năm ngoái, thấp hơn so với tăng trưởng tiêu dùng thực tế.

Những số liệu về tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng năm đã tăng lên mức 13% vào thời điểm đầu năm 2006 lên mức 20% vào tháng 12/2007.

Một số chuyên gia thì nghi ngờ cho rằng, đây phần lớn là kết quả của lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng lại không phản ánh chính xác tác động của lạm phát đối với tốc độ tăng tiêu dùng, vì giá thực phẩm (mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong thời gian qua) chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong chỉ số giá tiêu dùng so với tỷ lệ giá trị của nhóm hàng này trong tổng doanh số bán lẻ. Ngoài ra, còn có các số liệu thống kê cho thấy, chi tiêu tiêu dùng vào các nhóm sản phẩm khác, đặc biệt là đồ gia dụng, tăng khá mạnh.

Có một động lực quan trọng là trong năm ngoái, thu nhập dành cho chi tiêu của người dân thành thị ở Trung Quốc đã lần đầu tiên trong 5 năm tăng mạnh hơn so với mức tăng trưởng GDP. Điều này sẽ giúp cho tiêu dùng của Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2008 này.

Điều mà cả thế giới muốn

Tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu dựa trên tiêu dùng, thay vì xuất khẩu và đầu tư, chính là điều mà Chính phủ Mỹ đã trông đợi trong nhiều năm qua. Không ít người kỳ vọng, nếu thặng dư thương mại của Trung Quốc ngừng tăng và tiêu dùng đóng góp một phần lớn hơn trong tăng trưởng kinh tế của nước này, những căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế sẽ dịu bớt.

Trở ngại ở đây là thậm chí cả khi xuất khẩu ròng không còn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, thặng dư thương mại của nước này với Mỹ và châu Âu có thể vẫn sẽ tiếp tục ở mức khổng lồ. Một số nhà kinh tế cho rằng, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu Trung Quốc chuyển sang những mặt hàng có giá trị cao hơn, họ sẽ trở thành một mối đe dọa lớn hơn đối với các nhà sản xuất phương Tây.

Năm nay, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ lần đầu tiên tăng trưởng chậm lại trong 7 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa tăng mạnh đồng nghĩa với việc một giai đoạn suy thoái của kinh tế Mỹ sẽ không có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Trung Quốc.

Thay vào đó, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng quá nóng, tốc độ tăng trưởng nguội bớt chính là điều mà các nhà hoạch định chính sách của nước này mong đợi. Và nếu đây là kết quả của phần đóng góp giảm xuống từ xuất khẩu ròng của Trung Quốc, trong khi nhu cầu tiêu dùng của nước này vẫn tăng mạnh mẽ, thì đó cũng đúng là điều mà cả thế giới đang chờ đợi.

(Theo Economist)