14:55 10/06/2014

Trung Quốc đưa chuyện biển Đông ra Liên hiệp quốc

Diệp Vũ

Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc công bố bản “tuyên bố lập trường” của Bắc Kinh về Hải Dương 981

Giàn khoan Hải Dương 981 của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung 
Quốc (CNOOC) được nước này hạ đặt trái phép vào vùng biển của Việt Nam 
hôm 1/5.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) được nước này hạ đặt trái phép vào vùng biển của Việt Nam hôm 1/5.
Theo tin từ AP, vào ngày 9/6, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp Quốc Wang Min đã gửi một bản “tuyên bố lập trường” của Bắc Kinh về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông lên Tổng thư ký Ban Ki-moon, đồng thời đề nghị ông Ban Ki-moon chuyển tuyên bố này đến các nước thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Trong “tuyên bố lập trường” này, Bắc Kinh cáo buộc Việt Nam “xâm phạm chủ quyền” và “tìm cách làm gián đoạn bất hợp pháp” hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) được nước này hạ đặt trái phép vào vùng biển của Việt Nam hôm 1/5. Kể từ đó, giàn khoan này đã vài lần thay đổi vị trí và hiện nằm cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 32 km, cách bờ biển Việt Nam 278 km.

“Tuyên bố lập trường” của Trung Quốc nói rằng, CNOOC đã tiến hành hoạt động địa chất và nghiên cứu khu vực giếng thăm dò ở khu vực trên trong suốt 10 năm qua và hoạt động thăm dò hiện nay “là sự tiếp diễn quy trình thăm dò thông thường và nằm hoàn toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”.

Cũng trong tuyên bố này, Bắc Kinh cáo buộc Việt Nam tìm cách làm gián đoạn hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 “một cách bất hợp pháp và bằng vũ lực” thông qua “cử tàu có vũ trang và cố tình đâm va vào tàu Trung Quốc”, bất chấp các bằng chứng trên thực tế là phía Việt Nam chỉ đưa các tàu dân sự (cảnh sát biển, kiểm ngư) ra khu vực có giàn khoan, và các tàu dân sự này nhiều lần đã bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng hoặc đâm va.

“Việt Nam còn cử người nhái và các nhân tố dưới nước khác tới khu vực, đồng thời thả một số lượng lớn các chướng ngại vật, bao gồm lưới đánh cá, và vật thể nổi xuống vùng nước”, Trung Quốc tiếp tục vu cáo.

Bản tuyên bố này nêu rằng, hành động của Việt Nam đã “vi phạm chủ quyền” của Trung Quốc, tạo ra “những nguy cơ lớn” đối với nhân sự của Trung Quốc trên giàn khoan Hải Dương 981, và “vi phạm luật pháp quốc tế”, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ngoài ra, bản tuyên bố còn dẫn một số tài liệu tham khảo nhằm biện minh cho tuyên bố rằng quần đảo Hoàng Sa “là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và không có tranh chấp gì đối với quần đảo này”.

Cuộc chiến ngoại giao

Ba ngày trước đó, vào hôm 6/6, Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc Lê Hoài Trung đã gửi thư lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kèm theo công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong công hàm trên, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định với việc hạ đặt và hoạt động trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Với hành động này, Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động sai trái này của Trung Quốc.

Công hàm khẳng định Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và ở các cấp khác nhau để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuy nhiên phía Trung Quốc chẳng những đã không đáp ứng những đề nghị thiện chí đó, mà còn di chuyển giàn khoan và các tàu hộ tống sang một vị trí khác vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc còn đưa các tàu quân sự, máy bay chiến đấu đến hoạt động tại vị trí hạ đặt giàn khoan, thậm chí còn đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đâm thủng tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, làm nghiêm trọng thêm tình hình căng thẳng ở biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, làm ảnh hưởng đến tự do, an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế và gây bức xúc trong dư luận và nhân dân Việt Nam, làm ảnh hưởng tới tình cảm và mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.

Công hàm trên nhắc lại yêu cầu của Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn hành vi tương tự.

Việt Nam cũng tiếp tục yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên biển, trong đó có việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.

Đại sứ Lê Hoài Trung đã đề nghị Tổng thư ký Ban Ki-moon cho lưu hành công hàm trên như một tài liệu chính thức của khóa 68 Đại hội đồng Liên hiệp quốc, gửi đến tất cả các nước thành viên Liên hiệp quốc, tương tự như hai công hàm trước đó của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cực lực phản đối hành động ngang ngược kể trên của phía Trung Quốc.

Trước đó, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc đã ra thông cáo báo chí về vụ việc trên.