17:06 12/12/2022

Trung Quốc mạnh tay nới lỏng Zero Covid, nhà đầu tư vẫn thận trọng

Hoài Thu

Dù các nhà đầu tư đang chuẩn bị vị thế để tận dụng tối đa sự phục hồi của thị trường, vẫn còn tâm lý thận trọng bởi nhiều người cho rằng con đường phía trước của Trung Quốc có thể sẽ rất “gập ghềnh”...

Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 60 tỷ Nhân dân tệ (8,6 tỷ USD) cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đại lục - Ảnh: Reuters
Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 60 tỷ Nhân dân tệ (8,6 tỷ USD) cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đại lục - Ảnh: Reuters

Theo Nikkei Asia, việc Trung Quốc dọn đường để mở cửa trở lại với sự thay đổi lớn trong chính sách Zero Covid đang mang lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài sau hai năm ảm đạm.

Nhưng dù chuẩn bị vị thế để tận dụng tối đa sự phục hồi của thị trường, nhà đầu tư vẫn còn tâm lý thận trọng bởi nhiều người cho rằng con đường phía trước của nền kinh tế thứ hai thế giới có thể sẽ rất “gập ghềnh”.

TÂM LÝ NHÀ ĐẦU TƯ VẪN MONG MANH

Các chỉ số chứng khoán - thường được dùng để đánh giá tâm lý nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Trung Quốc - đã tăng trở lại kể từ tháng 11, khi xuất hiện động thái nới lỏng chính sách Zero Covid của Bắc Kinh. Chỉ số công nghệ Hang Seng - theo dõi các công ty công nghệ lớn cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc - đã tăng hơn 30% trong tháng 11. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Golden Dragon - đo giá cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ - cũng tăng kỷ lục 42%.

Diễn biến này đảo ngược các đợt điều chỉnh sâu trong tuần ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc vào giữa tháng 10, thời điểm tâm lý nhà đầu tư suy yếu đáng kể.

Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 60 tỷ Nhân dân tệ (8,6 tỷ USD) cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đại lục, đánh dấu tháng mua ròng thứ hai trong năm nay. Điều này ngược lại hoàn toàn với làn sóng bán ròng lên tới 57,3 tỷ Nhân dân tệ của nhóm nhà đầu tư này trong tháng 10.

Bước sang tháng 12, xuất hiện nhiều tín hiệu rõ ràng hơn về việc Bắc Kinh nới lỏng chính sách Zero Covid khi nhiều biện pháp hạn chế phòng chống dịch được nới lỏng hoặc gỡ bỏ. Người nhiễm Covid không triệu chứng giờ đây có thể cách ly tại nhà. Hoạt động xét nghiệm PCR hàn loạt hầu như không còn. 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, các nhà đầu tư vẫn lo sợ về những biến động thị trường. Ví dụ, số ca nhiễm Covid tăng mạnh có thể khiến người dân không muốn ra ngoài và mua sắm, chi tiêu. Điều này có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng, dù đây được nhận định là một trong lĩnh vực sẽ được hưởng lợi lớn từ việc mở cửa.

“Sự phục hồi trong tháng 11 chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động mua vào để đóng trạng thái bán khống của các nhà đầu tư như quỹ phòng hộ”, bà Jian Shi Cortesi, giám đốc đầu tư tại GAM Investments (Thụy Sỹ), dẫn nguồn dữ liệu môi giới cho biết tại một hội nghị tuần trước. “Tôi cho rằng tâm lý nhà đầu tư sẽ chưa thể lạc quan được”.

Còn theo ông Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại ngân hàng UBP (Thụy Sỹ), nhu cầu đầu tư cực kỳ yếu sau những đợt điều chỉnh lớn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hai năm qua.

“Sẽ mất nhiều thời gian để tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan một cách bền vững”, ông nhận định. “Tuy nhiên, việc mở cửa chắc chắn là một liều thuốc mạnh mà chúng ta đang chờ đợi để trở lại, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc theo chu kỳ”.

các nhà đầu tư vẫn lo sợ về những biến động thị trường. Ví dụ, số ca nhiễm Covid tăng mạnh có thể khiến người dân không muốn ra ngoài và mua sắm, chi tiêu - Ảnh: Getty Images
các nhà đầu tư vẫn lo sợ về những biến động thị trường. Ví dụ, số ca nhiễm Covid tăng mạnh có thể khiến người dân không muốn ra ngoài và mua sắm, chi tiêu - Ảnh: Getty Images

Đồng quan điểm, ông Daniel Morris, nhà chiến lược thị trường trưởng tại BNP Paribas Asset Management, cho biết ông vẫn giữ tâm lý tận trọng về “bức tranh đa chiều” khi Trung Quốc mở cửa trở lại bởi sự gia tăng số ca nhiễm bệnh có thể dẫn tới tỷ lệ nhập viện cao hơn.

“Tâm lý nhà đầu tư vẫn khá mong manh. Nhìn vào tình hình khó khăn của thị trường, họ không muốn sự biến động quá lớn”, bà Keiko Kondo, giám đốc đầu tư khu vực châu Á của công ty quản lý tài sản Schroder (Anh), nhận xét tại một hội nghị ở Hồng Kông mới đây.

TRÔNG CHỜ TÍN HIỆU TỐT TỪ LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN

Trong dài hạn hơn, điều quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài là Trung Quốc có thể giải quyết tốt cuộc khủng hoảng bất động sản và mang lại tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch “thịnh vượng chung” của Chính phủ.

Các cơ quan giám sát tài chính hàng đầu của Trung Quốc gần đây đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của ngành bất động sản, như nới lỏng tín dụng, nới lỏng quy định huy động vốn… Tuy nhiên, hiện chưa rõ các chính sách này có thể giúp phục hồi nhu cầu của người mua nhà ở mức độ nào.

“Bất chấp những biện pháp hỗ trợ đó, các vụ vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc có thể sẽ vẫn tiếp diễn”, ông Andy Suen, giám đóc phụ trách nghiên cứu tín dụng châu Á (không bao gồm Nhật Bản) của PineBridge Investments, nhận định. “Chúng tôi cho rằng sẽ chưa có sự phục hồi mạnh về doanh số bất động sản”.

Tuy nhiên, ông Suen cho rằng tín hiệu mở cửa của Bắc Kinh có thể làm giảm những lo ngại về tăng trưởng từ trung đến dài hạn của Trung Quốc và hỗ trợ đồng Nhân dân tệ. Điều này sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với trái phiếu Trung Quốc.

Tính tới tháng 10, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ - bao gồm trái phiếu Chính phủ - trong 10 tháng liên tiếp của năm nay, rút khoảng 691 tỷ Nhân dân tệ vốn đầu tư.

Ông Casanova của UBP cho rằng chiến lược “thịnh vượng chung” của Bắc Kinh đồng nghĩa rằng nhà đầu tư có thể phải tìm kiếm các thị trường khác nếu muốn có lợi nhuận cao hơn.

“Những công ty đã được hưởng lợi từ xu hướng toàn cầu hóa cũng như sự trỗi dậy nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc sẽ không được hưởng mức lợi nhuận tương tự như vậy nữa khi Bắc Kinh thực hiện các mục tiêu vì thịnh vượng chung”, ông giải thích.