Xuất hiện dự báo kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ vượt Mỹ trong vòng vài thập kỷ tới
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào khoảng năm 2035, còn GDP của Ấn Độ sẽ vượt sát nút Mỹ vào khoảng năm 2075...
Trong một nghiên cứu mới công bố, các nhà kinh tế tại tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group đưa ra một loạt dự báo về nền kinh tế thế giới trong vòng nửa thế kỷ tới.
Hai thập kỷ kể từ khi nhóm nhà kinh tế của Goldman Sachs, dẫn đầu là ông Kevin Daly và ông Tadas Gedminas, đưa ra dự báo tăng trưởng cho BRICS (khối các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), nhóm này đã mở rộng dự báo cho 104 nền kinh tế khác tới năm 2075.
Theo đó, nhóm các nhà kinh tế này dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân toàn cầu sẽ chỉ đạt dưới 3% trong thập kỷ tới, sau đó giảm dần, phản ánh tăng trưởng chậm lại của lực lượng lao động.
Đáng chú ý, các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào khoảng năm 2035, còn GDP của Ấn Độ sẽ vượt sát nút Mỹ vào khoảng năm 2075.
Riêng Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ về GDP khi nhanh chóng tăng trưởng từ quy mô chỉ tương đương 12% GDP của Mỹ vào năm 200 lên 77% năm 2021.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP năm 2021 đạt 23 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc đứng thứ hai với GDP đạt 18 nghìn tỷ, Ấn Độ xếp thứ sáu với 3 nghìn tỷ USD. Các nhà kinh tế dự báo Mỹ có thể sẽ không lặp lại những thành tích tương đối lớn của thập kỷ qua và sức mạnh của đồng USD cũng giảm dần trong vòng 10 năm tới.
Ngoài ra, một số nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Nigeria được dự báo sẽ nằm trong top 5 nền kinh tế nhất thế giới vào năm 2075, dù cả hai nước này đều không nằm trong top 15 hiện tại. Trong khi đó, Nhật Bản được dự báo sẽ tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 12, còn Anh từ vị trí thứ 6 xuống 10. Đức, hiện đứng thứ 4 thế giới, được dự báo sẽ tụt xuống vị trí thứ 9 vào năm 2075.
“Các quốc gia có nền kinh tế tụt hạng đều có một điểm chung, đó là dân số ít có tiềm năng tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu chậm lại đồng nghĩa rằng tăng trưởng tiềm năng toàn cầu đã đạt đỉnh”, nhóm nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận xét, đồng thời nhấn mạnh rằng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ bắt đầu giảm dần từ những năm 2030.
Dù dân số thế giới vừa cán ngưỡng 8 tỷ người vào tháng trước, Liên hợp quốc (UN) cho rằng tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm đi đáng kể, đặc biệt là những nước giàu. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, năm 2021, dân số nước này chỉ tăng 0,1%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 246 năm, do tử vong liên quan tới đại dịch Covid-19 và tỷ lệ sinh giảm.
Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu cũng đối mặt nhiều thách thức lớn như chi phí khổng lồ liên quan tới biến đổi khí hậu cũng như sự gia tăng của các biện pháp hạn chế thương mại. Do đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs kêu gọi các quốc gia cần hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với nhau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.