22:16 26/04/2021

Trung Quốc muốn gì khi phát hành Nhân dân tệ số?

Diên Vỹ

Nỗi lo Mỹ sử dụng sức mạnh đồng USD để gây sức ép khiến Trung Quốc phải đi tìm một giải pháp...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Nikkei.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Nikkei.

Trung Quốc được dự báo sẽ sớm vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh trong thập kỷ tới. Nhưng hệ thống tài chính toàn cầu mà đồng USD giữ vai trò trung tâm vẫn là một vấn đề khiến Trung Quốc lo ngại.

Nỗi lo Mỹ sử dụng sức mạnh đồng USD để gây sức ép khiến Trung Quốc phải đi tìm một giải pháp. Sự ra đời đồng Nhân dân tệ số (e-CNY) được nhận định là một hướng đi phù hợp.

ĐỒNG TỆ SỐ - LỐI THOÁT HIỂM CỦA TRUNG QUỐC?

Trung Quốc bắt đầu triển khai dự án Nhân dân tệ số từ năm 2014, ngay sau cơn sốt thị trường thổi giá Bitcoin tăng chóng mặt từ 13,4 USD lên hơn 1.000 USD. Bắc Kinh khi đó đã nhận thấy tiền điện tử có nguy cơ tác động tiêu cực đến khả năng kiểm soát và điều tiết chính sách tiền tệ của chính phủ.

Từ đó đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tiến hành thử nghiệm đồng tệ số ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. PBoC cũng làm việc với ngân hàng Trung ương Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để thử nghiệm giao dịch thanh toán xuyên biên giới trên nền tảng kỹ thuật số.

Sự ra đời của e-CNY một mặt giúp nước này củng cố sức mạnh điều tiết thị trường tài chính, mặt khác thúc đẩy quá trình quốc tế hóa Nhân dân tệ. Quá trình này sẽ củng cố sức mạnh Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) mà Trung Quốc thành lập năm 2015.

Với hệ thống CIPS làm xương sống, Trung Quốc có khả năng tránh được các lệnh trừng phạt tài chính từ Mỹ một cách hiệu quả nhờ sử dụng đồng tệ số để thanh toán cho các giao dịch xuyên biên giới mà hoàn toàn không phụ thuộc vào đồng USD.

Tuy nhiên, tách rời khỏi hệ thống tài chính mà đồng USD đóng vai trò chi phối gần như là bất khả thi với Trung Quốc lúc này. Chừng nào các doanh nghiệp nội địa còn nhu cầu tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu, chừng đó Washington vẫn có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính một cách hiệu quả.

Thực tế hiện nay, Nhân dân tệ chỉ chiếm khoảng 2% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Trong khi đó, đồng USD áp đảo hẳn với tỷ lệ 60%. Đa số các khoản vay mà Trung Quốc dành cho các quốc gia nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng được giải ngân bằng đồng USD.

“USD trở thành đồng tiền dự trữ thống trị toàn cầu không phải vì Mỹ muốn như vậy… mà vì Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho rằng cần phải như vậy. Phần còn lại của thế giới quyết định điều đó vì họ nghĩ đồng USD là tiền tệ an toàn nhất để dự trữ giá trị” - nhận định của Giáo sư tài chính Đại học Bắc Kinh Michael Pettis.

HAY CÔNG CỤ ĐÁP TRẢ RỦI RO CHÍNH TRỊ?

Trong khi Mỹ liên tục đưa thêm các thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, Bắc Kinh không chọn cách “ăn miếng trả miếng”. Họ lo ngại hành động như vậy sẽ trở thành chất xúc tác đẩy các doanh nghiệp nước ngoài “dứt áo ra đi”.

Nhưng vụ việc vừa xảy ra với hãng thời trang bán lẻ H&M cảnh báo một tín hiệu rất khác. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích đích danh H&M vì một tuyên bố tẩy chay bông Tân Cương từ năm ngoái. Ngay sau đó, sản phẩm của H&M đồng loạt bị gỡ trên các trang web thương mại điện tử đại lục.

Với Bắc Kinh lúc này, cách tốt nhất để đáp trả các rủi ro địa chính trị là kiểm soát khả năng tiếp cận thị trường tỷ dân. Và Nhân dân tệ số là một phương tiện hiệu quả.

Ông Yaya Fanusie, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh mới Washington nhận định sự ra đời của e-CNY sẽ cho Trung Quốc thêm công cụ gây sức ép với các công ty đa quốc gia như H&M. Chẳng hạn, kiểm soát khả năng tiếp cận thị trường bằng cách xóa các cửa hàng trực tuyến của H&M khỏi ứng dụng thanh toán bằng đồng tệ số.

Bà Emily Jin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ có một góc nhìn khác. Theo bà, hệ thống thanh toán e-CNY sẽ cho phép Trung Quốc giám sát bất kỳ công ty đa quốc gia nào muốn tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.

Điều Bắc Kinh kỳ vọng ở đồng tệ số không chỉ nằm ở góc độ tài chính, mà còn trên phương diện dữ liệu. Khi các công ty nước ngoài giao dịch bằng e-CNY, chính phủ Trung Quốc có khả năng thu thập những dữ liệu mà giao dịch ngân hàng truyền thống hiện nay chưa thể ghi nhận.

Ông Mu Changchun, giám đốc trung tâm Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số Trung Quốc cho hay mặc dù không trực tiếp nắm dữ liệu từng giao dịch nhưng PBoC có quyền yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức cung cấp thông tin trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn nghi ngờ tội phạm tài chính