Đồng Nhân dân tệ số (kỳ 2): Nỗi bất an của Trung Quốc?
Liệu đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có phải là dấu hiệu về một nỗi bất an của Trung Quốc khi phụ thuộc vào hệ thống thanh toán USD?
Nỗ lực quốc tế hóa Nhân dân tệ được xem là một trong những yếu tố đầu tiên khiến Trung Quốc thúc đẩy ra mắt đồng tệ số.
Bà Diana Choyleva, chuyên gia kinh tế trưởng chuyên vấn đề Trung Quốc từ Enodo Economics hôm 5/4 nhận định rằng Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ nguy cơ lớn từ việc phụ thuộc vào một hệ thống thanh toán toàn cầu mà đồng USD giữ "ngôi vương". Bắc Kinh quan ngại về khả năng bị các cơ quan tình báo Mỹ khai thác thông tin từ những giao dịch trên hệ thống thanh toán này, hoặc Washington cũng có thể từ chối các ngân hàng Trung Quốc tiếp cận các khoản đầu tư, vay nợ bằng đồng USD.
NHỮNG MỐI LO CỦA BẮC KINH
Trên thực tế, Trung Quốc từ lâu đã lo sợ Mỹ tận dụng vị thế "độc tôn" của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, xem sự thống trị của bạc xanh như một nguy cơ đe dọa sự phát triển của nền kinh tế tỷ dân. Điều này càng đúng hơn khi Washington ngày càng có khả năng tận dụng vị thế của USD như một lựa chọn tiềm năng nhằm trừng phạt các doanh nghiệp mà họ cáo buộc đi ngược lại lợi ích quốc gia Mỹ.
Một cựu quan chức Ban Liên lạc Quốc tế thuộc Quốc hội Trung Quốc, ông Zhou Li, từng cảnh báo: "Trung Quốc nên có sự chuẩn bị nhằm tự bảo vệ mình khỏi sức mạnh của hệ thống thanh toán đồng USD. Điều Trung Quốc cần thực hiện ngay bây giờ là đẩy nhanh tốc độ quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, đẩy mạnh các giao dịch thanh toán xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ, thiết lập cơ chế thanh toán Nhân dân tệ với nhiều quốc gia khác nhau để tối đa hóa các giao dịch sử dụng Nhân dân tệ trong chuỗi cung ứng toàn cầu".
Có một nguyên nhân khác bên cạnh yếu tố địa chính trị thúc giục Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai tiền tệ kỹ thuật số - theo ông Stephanie Segal, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế. Đó là thực trạng thanh toán kỹ thuật số trong nước.
"Nhiều giao dịch tài chính ở Trung Quốc đang được thực hiện thông qua các nền tảng như Alipay và WeChat, điều này nghĩa là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và các cơ quan quản lý khác không có nhiều thông tin về các giao dịch này", ông Segal nhấn mạnh.
Ông Linghao Bao, nhà phân tích từ Trivium China, cũng đồng tình với nhận định này: "Hệ thống thanh toán điện tử hiện tại thuộc sở hữu của các công ty tư nhân. Nếu Alipay hoặc WeChat Pay phá sản (dù rằng điều này rất khó xảy ra), nó sẽ tạo nên một rủi ro mang tính hệ thống cho toàn bộ lĩnh vực tài chính".
Động lực này trái ngược hoàn toàn với nguyên nhân thúc đẩy nhiều chính phủ phương Tây, bao gồm Mỹ, tiến hành thử nghiệm tiền tệ kỹ thuật số. Với các ngân hàng trung ương phương Tây, sự thuận tiện của giao dịch thanh toán cho người dân cũng như sự cải thiện hiệu quả chính sách kinh tế vĩ mô thông qua một nền tảng kỹ thuật số nhanh chóng, an toàn, ưu việt và độ trễ thấp hơn chính là nguyên nhân quan trọng nhất để xem xét triển khai tiền tệ kỹ thuật số.
Chẳng hạn tại Mỹ, bên lề các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế trong đại dịch Covid-19, một số nhà lập pháp đã thúc đẩy dự luật đồng USD kỹ thuật số do Cục Dự trữ Liên bang Fed hậu thuẫn. Một đồng USD kỹ thuật số, nếu được triển khai, có thể sẽ giúp Chính phủ liên bang dễ dàng hơn trong việc chuyển khoản hỗ trợ cá nhân đến tay từng người dân Mỹ với tốc độ nhanh chóng nhất.
Fed hiện đang nghiên cứu ý tưởng về đồng USD kỹ thuật số, nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã tuyên bố cần cẩn trọng để đưa ra quyết định cuối cùng. "Vì chúng ta đang nắm giữ đồng tiền dự trữ chính của thế giới, chúng ta không cần vội vàng trong dự án này… Chúng tôi cam kết sẽ giải quyết các vấn đề công nghệ, đồng thời tham vấn công chúng một cách minh bạch rằng liệu chúng ta có nên thúc đẩy (ra mắt đồng USD kỹ thuật số) hay không", ông Powell nói.
ĐE DỌA VỊ THẾ ĐỒNG USD?
Trong một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal, ông Josh Lipsky, chuyên gia đến từ Atlantic Council, nhấn mạnh: "Bất kỳ điều gì đe dọa đồng USD đều được coi như một vấn đề an ninh quốc gia. Và sự ra đời của đồng Nhân dân tệ số đang đe dọa đồng USD trong dài hạn".
Rõ ràng, Trung Quốc có động lực để đi ngược lại một trật tự kinh tế toàn cầu mà hơn 90% giao dịch ngoại hối sử dụng đồng USD và hơn 60% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương cũng là USD.
Theo ông Eswar Prasad - cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell - một bước phát triển còn đáng chú ý hơn cả sự ra đời đồng tệ số hiện nay là sự ra mắt Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) vào năm 2015. Đây được xem là nỗ lực đối trọng với Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) - vốn được đánh giá là xương sống hỗ trợ thiết yếu cho hệ thống thanh toán đồng USD của Mỹ.
Khi kết hợp với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, CIPS có khả năng giúp các quốc gia bao gồm Nga, Iran hay Venezuela tránh được các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ bằng cách dùng Nhân dân tệ để thanh toán cho các giao dịch mua bán dầu mỏ hay nhiều mặt hàng xuất khẩu khác mà Mỹ không thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, ông Eswar Prasad cho rằng dù Trung Quốc có động lực rõ rệt để đi ngược lại một thế giới mà đồng USD là đồng tiền dự trữ số 1, thì sự ra đời của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số chưa chắc đã củng cố hướng đi này của Bắc Kinh.
"Cho đến nay, hầu hết các khoản thanh toán thương mại, giao dịch tài chính xuyên biên giới đều đã được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số. Vì vậy, thật khó mà tưởng tượng đồng Nhân dân tệ số có thể gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống thanh toán quốc tế hiện hành", ông Prasad nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, có rất ít khả năng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể đe dọa vị thế của USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu. Vị thế này của đồng USD dựa trên quy mô và tính thanh khoản vô song của thị trường tài chính Mỹ, tính linh hoạt tỷ giá hối đoái đồng USD, hệ thống luật và thể chế cho phép dòng vốn tự do ra vào đất nước, cũng như một ngân hàng trung ương độc lập.
Mặc dù Trung Quốc hiện đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc mở cửa thị trường tài chính, cho phép dòng vốn chảy tự do hơn và tỷ giá Nhân dân tệ theo cơ chế thị trường, nhưng có rất ít lý do để mong chờ Bắc Kinh áp dụng các thể chế và khuôn khổ luật tự do như phương Tây - điều mà các nhà đầu tư tìm kiếm.
Ông Ebrahim Rahbari, chuyên gia phân tích ngoại hối toàn cầu tại Citigroup, nói rằng một loại tiền tệ được coi là tài sản dự trữ an toàn nếu nó đáp ứng được những thuộc tính nhất định mà quan trọng nhất là sự ổn định hoặc tăng thêm giá trị trong những giai đoạn thị trường biến động. Cả đồng Nhân dân tệ vật lý và đồng Nhân dân tệ số hiện đều chưa đáp ứng được điều kiện quan trọng này.
Đồng Nhân dân tệ số (kỳ 1): Cũng là tiền ảo nhưng rất khác Bitcoin