19:05 15/03/2023

Truy cập hệ thống để mua bán thông tin bí mật cá nhân

Đỗ Mến

Đối tượng đăng nhập vào hệ thống dữ liệu nhà mạng, nhập số điện thoại cần lấy thông tin rồi trích xuất thông tin chủ thuê bao, thông tin định vị, danh sách cuộc gọi để bán với giá từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/thông tin...

Ngày 15/3, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án mua bán thông tin cá nhân.

Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Mạnh Quân (SN 1991, ở Hà Nội) mức án 6 năm tù về tội Đưa hoặc Sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức..

Cùng tội danh Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, các bị cáo Bùi Việt Anh (SN 1987, ở Hà Nội), Phạm Ngọc Tỉnh (SN 1982, ở Ninh Bình) Nguyễn Thế Hùng (SN 1984, ở Hà Nội), Nguyễn Bắc Tích (SN 1989, ở Hà Nội), Nguyễn Tuấn Minh (SN 2003, ở Thanh Hóa), Nguyễn Tiến Thành (SN 1987, ở Thanh Hóa), Ma Duy Thanh (SN 1987, ở Tuyên Quang) mức án từ 20 tháng cho hưởng án treo đến 30 tháng tù giam.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 2/2021, Công an TP Hà Nội đã phát hiện Công ty TNHH Cung cấp thông tin Toàn Tâm có hành vi mua bán, trao đổi thông tin thuộc phạm vi bí mật cá nhân như lịch sử cuộc gọi, xác định vị trí, sao kê tài khoản ngân hàng… 

Sau đó, Phạm Ngọc Tỉnh (Giám đốc Công ty 247 Việt Nam) đến cơ quan công an tự thú về hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trái quy định pháp luật. 

GIÁM ĐỐC TỰ THÚ, PHÁT LỘ NHÓM MUA BÁN DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Từ đầu mối này, cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi mua bán dữ liệu cá nhân của nhiều đối tượng. 

Theo đó, Tỉnh, Hùng và Tích thành lập các công ty hoạt động trong lĩnh vực thám tử tư. Họ cần có thông tin phục vụ cho hoạt động thám tử và cung cấp cho khách hàng.

Các bị cáo nghe tuyên án.
Các bị cáo nghe tuyên án.

Nhóm này đã tìm nguồn mua các thông tin định vị số điện thoại, lịch sử cuộc gọi đi, đến, địa chỉ IP (địa chỉ cung cấp danh tính của các thiết bị được kết nối mạng), thông tin tài khoản ngân hàng để bán cho người có nhu cầu. 

Khoảng năm 2019, Tỉnh quen biết Bùi Việt Anh là Phó trưởng Trung tâm An ninh mạng thuộc Ban khai thác mạng, Tổng công ty hạ tầng mạng VNPT Net. 

Biết Việt Anh có thể lấy được thông tin liên quan đến số điện thoại của nhà mạng Vinaphone (thông tin chủ thuê bao, danh sách cuộc gọi đi, đến; tin nhắn đi, đến; định vị số điện thoại...), Tỉnh đặt vấn đề mua các các dữ liệu này với Việt Anh. Tỉnh cũng mua thêm các thông tin từ các nhà mạng Viettel, Mobifone. 

Bùi Việt Anh sử dụng tài khoản ''anhbv'' do Vinaphone cung cấp để đăng nhập vào hệ thống dữ liệu nhà mạng, nhập số điện thoại cần lấy thông tin. Rồi trích xuất thông tin chủ thuê bao, thông tin định vị, danh sách cuộc gọi để bán cho Phạm Ngọc Tỉnh. Giá bán từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/thông tin.

Đối với các số điện thoại Viettel và Mobifone, Việt Anh mua thông tin điện thoại, thông tin định vị, danh sách cuộc gọi rồi bán lại với giá cao hơn để hưởng chênh lệch.

Từ năm 2019 đến thời điểm bị bắt giữ, Việt Anh đã mua bán dữ liệu 450 số điện thoại của 3 nhà mạng Vinaphone, Viettel, Mobifone; bán cho Tỉnh dữ liệu của 400 số điện thoại, bán cho Nguyễn Thế Thanh 50 số điện thoại.

LÀM GIẢ CÔNG VĂN ĐỂ LẤY THÔNG TIN

Năm 2016, thông qua việc tra cứu thông tin số điện thoại tại các nhà mạng phục vụ công tác điều tra, Trần Mạnh Quân quen biết với Việt Anh. Đến năm 2019, Việt Anh nhờ Quân lấy giúp thông tin khách hàng mạng Viettel và Mobifone để bán. 

Để lấy được thông tin, Quân tự ý thêm các số điện thoại cần tra cứu vào Công văn của Công an quận Long Biên gửi các nhà mạng. Nếu Công an quận Long Biên không có yêu cầu tra cứu thông tin thì bị cáo tự làm giả công văn.

Có 142 trong số 226 công văn của Công an quận Long Biên đã bị Quân làm giả.  Quân được Việt Anh trả 254 triệu đồng. 

Ngoài ra, các bị cáo còn tham gia vào việc mua đi bán lại dữ liệu cá nhân. Bị cáo Tỉnh bán lại thông tin cho Nguyễn Thế Hùng vốn là nhân viên của Tỉnh, nay đã ra lập công ty riêng. Hùng bán lại thông tin cho Nguyễn Bắc Tích, Giám đốc Công ty Toàn Tâm. 

Công ty Toàn Tâm đăng ký hoạt động liên quan máy tính và mua bán linh kiện điện tử nhưng không hoạt động. Nguyễn Bắc Tích sử dụng pháp nhân này kinh doanh dịch vụ theo dõi ngoại tình, tìm người bỏ trốn, định vị số điện thoại, lấy danh sách cuộc gọi, sao kê tài khoản ngân hàng.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Bắc Tích thừa nhận có việc mua bán tài khoản ngân hàng nhưng không còn lưu giữ thông tin của tài khoản. Do vậy, cơ quan điều tra không xác định được số tài khoản bị mua bán.

Ngoài các cá nhân trên, cuối năm 2019, các bị cáo Ma Duy Thanh nói với Nguyễn Tuấn Minh về việc Thanh làm việc tại Bảo hiểm xã hội Tuyên Quang. Sau đó, Minh đã mua thông tin cá nhân của nhiều người (họ tên, hộ khẩu, nơi làm việc, số điện thoại...) từ Thanh với giá từ 200.000 đến 1 triệu đồng/thông tin.

Quá trình điều tra, Thanh cùng Minh thừa nhận hành vi. Trong đó, Thanh khai bản thân hưởng lợi gần 149 triệu đồng, còn Minh hưởng lợi trên 206 triệu đồng.

Còn bị cáo Nguyễn Tiến Thành đã lợi dụng nghề nghiệp làm dịch vụ về SIM điện­­ thoại để sử dụng tài khoản hệ thống Mobile Billing & Customer Care System của Viettel và SIM đa năng Eload của Vinaphone để truy cập hệ thống 2 nhà mạng này. Sau đó, Thành lấy thông tin liên quan đến số điện thoại rồi bán cho Minh, hưởng lợi bất chính 140 triệu đồng.