06:02 12/01/2022

Từ Chương trình GRAFT, nhiều giải pháp mới được chuyển giao vào nông nghiệp

Chu Khôi

Đến thời điểm này, đã có 9 doanh nghiệp quốc tế có giải pháp công nghệ tiên tiến sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp được chọn bởi Chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp (GRAFT Challenge Vietnam 2021), để trình diễn và chuyển giao vào Việt Nam…

Hội thảo trực tuyến ngày 11/1/2022.
Hội thảo trực tuyến ngày 11/1/2022.

Hội thảo chia sẻ kế qutả bước đầu từ Chương trình “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ nông nghiệp tại Việt Nam” do Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 11/1/2022.

“BẾN ĐỖ” CHO DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ NÔNG NGHIỆP

Ông Justin Ahmed, Trưởng Chương trình GRAFT, cho biết GRAFT được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia nhằm thúc đẩy thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác công-tư, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về đổi mới sáng tạo.

 

Chương trình Thách thức GRAFT Việt Nam 2021 tìm kiếm những giải pháp công nghệ giúp thay đổi tương lai nền nông nghiệp Việt Nam, hướng vào 3 lĩnh vực chính: Trồng trọt, Thủy hải sản, Chăn nuôi.

“GRAFT là một “bến đỗ" được thiết kế để giúp đỡ các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp hàng đầu trên thế giới thâm nhập và mở rộng tại thị trường Việt Nam. Đến nay, Chương trình đã chọn được 9 doanh nghiệp quốc tế có giải pháp công nghệ tiên tiến sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, để trình diễn và chuyển giao vào Việt Nam”, ông Justin Ahmed chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam  nhận định: GRAFT là một chương trình quan trọng trong toàn bộ danh mục các hợp tác của Australia với Việt Nam, là một dấu mốc quan trọng trong sự hợp tác giữa hai quốc gia.

Trong ngành nông nghiệp, các giải pháp về công nghệ vô cùng quan trọng, giúp tăng năng suất lao động, tăng khả năng chống chịu và phục hồi của các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân. “Tôi rất vui mừng trước những kết quả đã đạt được từ chương trình, chúng ta đã tập hợp được các doanh nghiệp, các nhà phát triển những nghiên cứu giải pháp sáng tạo có thể giúp giải quyết các vấn đề trong ngành nông nghiệp”, ông Mark Tattersall bày tỏ.

Phó Đại sứ Australia phát biểu tại hội thảo.
Phó Đại sứ Australia phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, Công ty Sufresca đã trình bày giải pháp đóng gói không dùng nhựa cho ngành sản xuất tại Việt Nam. Sufresca là một công ty của Israel, đã phát minh ra lớp phủ tự hủy sinh học có thể ăn được, có tác dụng kéo dài thời hạn sử dụng của trái cây và rau tươi lên đến vài tuần trong điều kiện môi trường lạnh và dễ thay đổi. 

Giải pháp này đã giành được một số giải thưởng về đổi mới sáng tạo, trong đó nổi bật với giải thưởng “Công nghệ xử lý sáng tạo nhất” tại sự kiện Fi Europe Startup Innovation Challenge 2020.

Tại Việt Nam, sau khi được chọn, Sufresca đã bắt đầu phối hợp với nhóm GRAFT để xác định các điểm thâm nhập thị trường, đã chuyển giao thử nghiệm vào ngành xoài ở tỉnh Đồng Tháp.

Hiện GRAFT và Sufresca ủy thác công ty TMT Consulting của Việt Nam thực hiện nghiên cứu để hiểu rõ hơn về quy trình đánh giá chất lượng trong ngành sản xuất bơ và rau ở khu vực Tây Nguyên. Không chỉ vậy, Sufresca cũng kỳ vọng có thể áp dụng công nghệ của mình vào ngành sản xuất cà chua và hồ tiêu tại Việt Nam.

NHIỀU GIẢI ỨNG DỤNG SỐ HÓA TRONG NÔNG NGHIỆP

AgNext Technologies, một công ty của Ấn Độ được GRAFT lựa chọn với giải pháp số hóa quy trình đánh giá chất lượng thực phẩm Qualix. Đây là một nền tảng hoạt động dựa trên AI, có khả năng đánh giá nhanh chóng và chính xác hơn 40 đặc tính vật lý và thành phần của hàng chục loại thực phẩm.

“Ngành nông nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh cao trong quá trình chuyển đổi số. AgNext muốn tận dụng thời điểm thay đổi này để mang các giải pháp đánh giá chất lượng nhanh và giải pháp liên kết thị trường dựa trên công nghệ AI vào ngành nông nghiệp Việt Nam, từ đó thúc đẩy mô hình thương mại minh bạch, nhanh chóng và bảo mật trong toàn ngành. Agnext đặt trọng tâm vào ngành gia vị, cà phê, trà, thức ăn chăn nuôi, thịt trong chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam”, ông Subrat Panda, Giám đốc Công nghệ của AgNext chia sẻ.

Công ty Jala Tech của Indonesia giới thiệu nền tảng và ứng dụng quản lý trang trại nuôi tôm dựa trên dữ liệu chính xác nhằm hỗ trợ số hóa ngành tôm. Jala Tech đã xác định chiến lược thâm nhập thị trường đúng đắn thông qua khảo sát các vùng có nhiều trang trại nuôi tôm ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau ở Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực chiếm 60% sản lượng tôm ở Việt Nam. Jala Tech kỳ vọng tiếp cận được 10.000 hộ nuôi tôm tại Việt Nam trong hai năm tới.

Ông Chris Bomgaars, người sáng lập và Giám đốc điều hành EveryPig, cho hay EveryPig đã phát triển một nền tảng và ứng dụng di động hỗ trợ trang trại chăn nuôi. Các hoạt động giám sát quá trình chăn nuôi heo, các dịch vụ thú y như chẩn đoán và ra đơn thuốc từ xa đều có thể thực hiện thông qua ứng dụng.

Ứng dụng cũng cho phép số hóa các báo cáo thăm khám nông trại và theo dõi sự tuân thủ của người chăm sóc, giúp nhà sản xuất nâng cao hiệu quả hoạt động. Tính đến năm 2021, công ty đã mở rộng từ thị trường Hoa Kỳ sang Canada và Thái Lan, đạt tổng số khoảng 2.000 người sử dụng và với hàng triệu con heo được theo dõi thông qua ứng dụng.

 

"Trong giai đoạn 2021-2030, Bộ Khoa học công nghệ sẽ tập trung điều tra đánh giá toàn bộ dữ liệu về mặt thị trường, khả năng cung ứng công nghệ trong các chuỗi ngành hàng liên quan đến nông nghiệp; thống kê lại các đơn vị cung ứng công nghệ, đánh giá năng lực cung ứng công nghệ".

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ.

"EveryPig đặt ra tham vọng sẽ tiếp cận với 50% tổng số đàn heo ở Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Giải pháp này hoàn toàn có triển vọng vươn tới các mục tiêu cao hơn trong một tương lai không xa", ông Chris Bomgaars tin tưởng.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số kết quả ứng dụng những giải pháp sảng tạo trong đổi mới nông nghiệp, đặc biệt ứng dụng những công nghệ mới để nâng cao chất lượng về giống, kỹ thuật canh tác, đặc biệt là bảo quản chế biến sau thu hoạch.

Định hướng trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm nhiều đến các các giải pháp liên quan đến số hóa, phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi đánh giá cao sự triển khai phối hợp của Chương trình GRAFT, đặc biệt những giải pháp được giới thiệu tại buổi trình diễn ngày hôm nay với 9 giải pháp ứng dụng sáng tạo được hình thành và ươm mầm từ chương trình”, ông Nghiệm nói và thông tin thêm Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn 8 chuỗi ngành hàng để tập trung thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và triển khai công nghệ, trong đó có 3 chuỗi ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đó là: phát triển nguyên liệu cho ngành dệt may, gồm các xơ sợi; chuỗi đồ gỗ, chuỗi thủy sản.

Bộ Khoa học công nghệ sẽ triển khi các giải pháp hỗ trợ cụ thể để kết nối được nguồn cung tri thức, nguồn chuyển giao công nghệ của các Viện, trường ở Việt Nam với các doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Đồng thời kết nối qua con đường quốc tế để chuyển giao công nghệ từ các đối tác quốc tế vào Việt Nam.