"Tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn thực tế của các nhà băng sẽ cao hơn báo cáo"
Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng thương mại có thể vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp trong quý cuối năm nhưng tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn trên thực tế sẽ cao hơn các con số trên báo cáo chính thức
Dịch Covid-19 khiến Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp cho các khách hàng vay vốn theo hình thức tái cơ cấu khoản vay theo Thông tư 01. Trên thực tế, các báo cáo tài chính cuối quý 2 đã cho thấy nợ xấu tại nhiều ngân hàng đang tăng dần dù đã tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, đối với Thông tư 01 về giãn, hoãn các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có sự sửa đổi để kéo dài thời hạn của Thông tư này sang năm 2021 nhằm giảm sốc cho hệ thống ngân hàng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng thương mại có thể vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp trong quý cuối năm nhưng tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn trên thực tế sẽ cao hơn các con số trên báo cáo chính thức.
Trong quý 3, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dồi dào nhờ cung vốn VND tăng (qua hoạt mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước) và cầu vốn tăng chậm (tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 mới tăng 6% trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất trong lịch sử trong suốt quý 3 (0,2-0,4%/năm).
Vào ngày cuối cùng của quý 3, Ngân hàng Nhà nước đã có thêm 1 lần cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%. Như vậy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhằm giúp nền kinh tế đối phó với những khó khăn do Covid mang lại, Ngân hàng Nhà nước đã có tổng cộng 3 lần cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng) với tổng mức cắt giảm là 1%.
Tuy vậy, BVSC đánh giá hiệu quả thực tế của những lần cắt giảm lãi suất điều hành trong việc kích thích tổng cầu càng về sau càng giảm.
Ngoài ra, lãi suất huy động hạ có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm lại (7 tháng đầu năm tăng 7,85% YoY trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây đều tăng trên 10%). Hoàn toàn có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Công ty chứng khoán này cho rằng tăng trưởng tín dụng trong quý 4 sẽ tăng tốc mạnh hơn so với 3 quý đầu năm (do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt). Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức thấp (chỉ quanh mức 10%).
Về tỷ giá, trong quý 3, tỷ giá trung tâm tăng nhẹ so với cuối quý 2 (14 đồng, tương đương 0,06%) trong khi tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại giảm 12 đồng (tương đương VND lên giá nhẹ 0,05% so với USD). Theo đó, xét trong 9 tháng đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 60 đồng (tương đương 0,26%) trong khi tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng ít hơn (11 đồng, tương đương 0,04%).
Đồng USD có xu hướng giảm mạnh trên thị trường thế giới kết hợp với việc Việt Nam có xuất siêu mạnh (17 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm nay là nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND ổn định.
Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, cán cân thanh toán của Việt Nam thặng dư 5,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020, trong đó thặng dư từ cán cân vãng lai là 3,8 tỷ USD (tăng 2 tỷ USD so với cùng kỳ 2019); thặng dư từ cán cân tài chính chỉ còn 1,6 tỷ USD (giảm mạnh so với mức 8,3 tỷ USD cùng kỳ, trong đó vốn FII bị rút ròng 850 triệu USD).
BVSC nhấn mạnh, một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất đối với Việt Nam trong quý 4/2020 cũng như năm 2021 là khả năng Mỹ tiến hành điều tra và cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Nếu điều này xảy ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chịu một chút bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh khác.