Cổ phiếu ngân hàng dồn dập "tìm nhà mới"
Vẫn còn hơn 10 ngân hàng thương mại cổ phần chưa thực hiện niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên thị trường chính thức
Hiện có 10 ngân hàng đang niêm yết trên HoSE (VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, HDB, STB, EIB, TPB), 3 nhà băng trên HNX (ACB, SHB, NVB) và 7 nhà băng trên UPCoM (VIB, BAB, LPB, BVB, NAB, VBB, KLB). Như vậy, vẫn còn hơn 10 ngân hàng thương mại cổ phần chưa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch.
SÔI ĐỘNG KẾ HOẠCH LÊN SÀN, CHUYỂN SÀN
Ngày 9/10, hơn 389 triệu cổ phiếu NAB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á chính thức được đưa vào giao dịch trên UPCoM.
NAB gây hứng thú khi giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu nhưng đã tăng 18,5% trong phiên giao dịch đầu tiên, chốt phiên 9/10 ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu. Đã có gần 3 triệu cổ phiếu NAB trao tay trong phiên giao dịch này.
Nam A Bank chính thức hoạt động từ ngày 21/10/1992 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ đã tăng lên 4.564 tỷ đồng sau 23 lần tăng vốn. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, cổ đông đã thông qua kế hoạch đưa vốn điều lệ lên mức 7.000 tỷ đồng thông qua 2 phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành riêng lẻ, dự kiến sẽ niêm yết toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của NAB trên HoSE chậm nhất đến ngày 31/12/2020.
Bên cạnh NAB, 308 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng sẽ giao dịch phiên đầu tiên trên UPCoM vào ngày 15/10 tới với giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên trong đó có hơn 201 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng.
Trước đó, ngày 9/7, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt là ngân hàng đầu tiên thực hiện đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán trong năm 2020. Ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán BVB. So với giá tham chiếu 10.700 đồng/cổ phiếu, BVB trong phiên giao dịch đầu tiên có lúc đã lên tới kịch trần 14.900 đồng. Tuy nhiên sự hứng thú không kéo dài lâu, BVB nay được giao dịch quanh mức 10-11.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi sự xuất hiện của các cổ phiếu ngân hàng mới chỉ mới lên giao dịch trên UPCoM thì sàn HoSE hứa hẹn sự sôi động khi nhiều cổ phiếu nhà băng tìm đến.
Theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường lần 4/2020 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), cổ đông đã thống nhất thông qua việc hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM để niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Trước đó, ngày 31/8, HoSE cũng thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 924,5 triệu cổ phiếu của VIB. Hiện cổ phiếu VIB đang đăng ký giao dịch trên UPCoM. Cổ phiếu VIB đã tăng mạnh trong thời gian qua. Chỉ trong vòng 1 tháng, VIB tăng đến 47%, đưa thị giá lên ngưỡng 33.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu LPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giao dịch trên UPCoM cũng đang rục rịch chuẩn bị lên HoSE. HoSE cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của ngân hàng này. Trong tháng qua, cổ phiếu LPB cũng bứt phá mạnh mẽ, vượt qua mệnh giá để dần tiến lên ngưỡng 12.000 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, trong những ngày đầu tháng 10, HoSE thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB). MSB đã từng nộp hồ sơ niêm yết vào cuối năm ngoái nhưng tạm rút để thực hiện vào thời điểm thích hợp. Cho đến đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 25/9 mới đây, MSB mới cho biết sẽ khởi động lại kế hoạch này.
Cùng trong làn sóng tìm đường đến với HoSE còn có sự góp mặt của hai đại diện ngân hàng đang niêm yết trên HNX là ACB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu) và SHB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội). Đối với ACB, kế hoạch này được vạch ra trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, dự kiến sẽ chuyển sàn trong tháng 11-12. Trong khi đó, SHB đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HoSE.
NHIỀU NHÀ BĂNG VẪN IM HƠI LẶNG TIẾNG
Tại "Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2018, một trong những nội dung quan trọng là phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cuối tháng 2/2019, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025". Theo đó, đến hết năm 2020, các ngân hàng thương mại cổ phần phải thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chính thức.
Hiện có 10 ngân hàng đang niêm yết trên HoSE (VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, HDB, STB, EIB, TPB), 3 nhà băng trên HNX (ACB, SHB, NVB) và 7 nhà băng trên UPCoM (VIB, BAB, LPB, BVB, NAB, VBB, KLB). Như vậy vẫn còn hơn 10 ngân hàng thương mại cổ phần chưa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch.
Vậy nhưng, trong bối cảnh "chạy nước rút" này, một số nhà băng vẫn còn chần chừ, kế hoạch lên sàn hay không vẫn chưa hề ngã ngũ như Bảo Việt Bank, OCB, PVCombank,…
Còn riêng đối với SCB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn), tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 đã đưa ra tờ trình về việc đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch chứng khoán tập trung trên UPCoM bên cạnh tờ trình tăng vốn. Tuy nhiên đây chỉ là thủ tục để thực hiện phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Thời gian chi tiết về việc lên UPCoM không được đề cập đến trong tờ trình.
Trao đổi tại đại hội cho biết, việc đưa cổ phiếu lên UPCoM sẽ thực hiện trong năm 2020-2021 và sau năm 2022 mới dự kiến niêm yết chính thức khi năng lực tài chính và sức cạnh tranh mạnh hơn, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, việc niêm yết SCB sẽ dời lại sau vài năm nữa.
Như vậy, việc để hoàn thành 100% ngân hàng thương mại cổ phần lên giao dịch trên thị trường chính thức đúng như "deadline" 2020 có thể sẽ lỗi hẹn. Thêm nữa, từ 1/1/2021, các công ty chỉ có thể niêm yết chính thức sau khi có đủ 2 năm giao dịch trên hệ thống UPCoM. Do vậy, việc chậm trễ trong năm nay sẽ là một bất lợi lớn, đương nhiên, ngoại trừ khả năng vì lý do nào đó khiến các nhà băng "né" lên sàn mà thôi !?