16:46 30/03/2023

Ứng dụng công nghệ, quy trình bồi thường bảo hiểm sẽ chỉ mất “vài phút là có ting ting”

Hoàng Hà

Theo dự báo, trong năm 2023 và những năm sau, doanh nghiệp Insurtech sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ như dữ liệu lớn, trợ lý ảo, chatbot…

Các khách mời trong chương trình The WISE Talk số thứ 06 với chủ đề: “Sự trỗi dậy của công nghệ bảo hiểm (Insurtech)”
Các khách mời trong chương trình The WISE Talk số thứ 06 với chủ đề: “Sự trỗi dậy của công nghệ bảo hiểm (Insurtech)”

Thu nhập người dân được cải thiện, mức độ số hóa ngày càng cao. Trong bối cảnh này, ngành bảo hiểm cũng đã có nhiều thay đổi. Công nghệ bảo hiểm (hay còn gọi là Insurtech) nổi lên như một lĩnh vực tiềm năng và có sức tăng trưởng tốt.

Trong chương trình The WISE Talk số thứ 06 với chủ đề: “Sự trỗi dậy của công nghệ bảo hiểm (Insurtech)”, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho rằng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ đã hiện diện trong mọi lĩnh vực của chuỗi giá trị bảo hiểm, từ khâu nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng đến thiết kế sản phẩm, bán sản phẩm rồi quản lý hợp đồng bảo hiểm và thẩm định. 

Tuy vậy, các lĩnh vực Insurtech của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Google và Bain năm 2022, Insurtech của Việt Nam phát triển gần 50% mỗi năm, cùng tốc độ với Indonesia và Philippines. Tuy nhiên,  tổng giá trị thị trường của ngành bảo hiểm ở Việt Nam vẫn còn nhỏ so với thế giới. 

GIẢI MÃ NHỮNG THÁCH THỨC, KHÓ KHĂN CỦA INSURTECH VIỆT NAM

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho rằng thách thức đầu tiên của Insurtech là câu chuyện đầu tư. Bởi vì, đầu tư cho công nghệ không hề đơn giản, không chỉ tạo ra “một cái app” là xong, mà doanh nghiệp cũng cần có hệ thống vận hành, quy trình nghiệp vụ, đào tạo nhân sự khi ứng dụng công nghệ. 

Bài toán kinh doanh luôn được các doanh nghiệp đặt ra, đó là làm thế nào tạo ra những sản phẩm giá trị khi ứng dụng công nghệ. Sản phẩm bảo hiểm có nhiều loại, kể cả bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm phi nhân thọ, vì thế nên ứng dụng công nghệ vào sản phẩm nào để có thể tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ là câu hỏi mà các doanh nghiệp cần cân nhắc. 

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Thanh Vân, đồng sáng lập kiêm CEO Saladin, cho biết mức độ phổ cập của bảo hiểm tại Việt Nam khá thấp so với khu vực. Sản phẩm bảo hiểm không phải là một sản phẩm dễ hiểu cho các khách hàng đại chúng ở Việt Nam. Nhiều thuật ngữ bảo hiểm cũng không dễ hiểu, thậm chí còn có cuốn sách từ điển bảo hiểm cho các thuật ngữ được sử dụng trong hợp động bảo hiểm bán cho người tiêu dùng cuối cùng. 

Bên cạnh đó, một số dòng sản phẩm bảo hiểm vẫn khá chung chung, chưa được cá nhân hóa, tức là sản phẩm đại trà và một số nhóm người tiêu dùng nhất định chưa thấy sự cần thiết của sản phẩm bảo hiểm. “Tuy nhiên, người tiêu dùng, đặc biệt là millenials và gen Z đã bắt đầu quan tâm tới những gói bảo hiểm cụ thể, ví dụ như bảo hiểm lỡ chuyến bay, mất hành lý, hay là quyền lợi Covid,... Chúng ta nên làm ra những sản phẩm đơn giản hơn và cá nhân hóa hơn”, CEO Saladin nói. 

Một thách thức nữa cho ngành Insurtech là giữa rất nhiều dòng sản phẩm cho từng loại hình bảo hiểm khác nhau, người tiêu dùng muốn so sánh để biết cái nào phù hợp với họ hơn. Nhưng hiện tại chưa có ứng dụng nào hỗ trợ khách hàng ở điểm này.

“Đó là một thách thức, rào cản, nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Insurtech, giải bài toán này và phục vụ khách hàng tốt hơn, thúc đẩy tính minh bạch và mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội”, CEO nền tảng bảo hiểm công nghệ đa giải pháp Saladin nói.

Ngoài ra, lòng tin của người tiêu dùng là một yếu tố vô cùng thách thức đối với cả ngành bảo hiểm. Theo bà Lê Thị Thanh Vân, công nghệ có thể giúp ích rất nhiều trong việc củng cố và chiếm lại niềm tin của người tiêu dùng bảo hiểm. Tuy vậy, đó là bài toán không phải chỉ giải ngày một ngày hai là xong, mà phải giải nhiều bài và làm một cách lâu dài, có hệ thống. 

Cụ thể, công nghệ có thể giúp minh bạch hóa, đơn giản hóa các thuật ngữ, điều khoản và khách hàng luôn luôn có thể tra cứu, đọc trước hợp đồng. Ngoài ra, khách hàng muốn tham khảo, so sánh các sản phẩm bảo hiểm để lựa chọn ra sản phẩm phù hợp nhất với mình. Ở điểm này, công nghệ có thể là lời giải, cho phép khách hàng so sánh, chọn lọc sản phẩm dễ dàng ngay trên web hoặc ứng dụng.

Tất nhiên, CEO Saladin cho rằng chỉ riêng công nghệ không thể giải quyết hoàn toàn bài toán niềm tin trong bảo hiểm. Song công nghệ có thể hỗ trợ đắc lực và doanh nghiệp cũng cần xác định đó là một quá trình dài. 

NÊN CÓ KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ TẠM THỜI LIÊN QUAN ĐẾN BẢO HIỂM CÔNG NGHỆ

Bàn về các cơ chế, chính sách hỗ trợ sự phát triển của ngành Insurtech, ông Ngô Trung Dũng cho biết hiện nay Luật kinh doanh bảo hiểm mới đã ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2023, công nhận các giao dịch điện tử, chữ ký số, có các điều khoản hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho ngành bảo hiểm và những ứng dụng sử dụng qua không gian mạng. Đó là những đổi mới rất đáng chú ý, ngoài ra, ông Ngô Trung Dũng tin rằng sẽ có những hướng dẫn tiếp theo giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường ứng dụng công nghệ. 

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

Mặc dù Luật kinh doanh bảo hiểm mới đã có những điểm cởi mở hơn, nhưng doanh nghiệp Insurtech vẫn gặp một số hạn chế khi thực thi. Chính vì thế, theo ông Dũng, để lĩnh vực bảo hiểm ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các startup công nghệ, chính phủ nên có những khuôn khổ pháp lý tạm thời, kiểm soát các vấn đề mới nảy sinh liên quan đến bảo hiểm công nghệ, để các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống đang hoạt động ở Việt Nam muốn sử dụng công nghệ mới, muốn thuê các startup công nghệ sẽ có cơ sở pháp lý, thuận lợi cho việc hợp tác.

Tại một số nước phát triển, cơ quan quản lý phải tạo ra khung khuôn khổ pháp lý tạm thời có kiểm soát, để quản lý những nội dung mới xuất hiện trong ngành. Tạo ra những động lực mới từ góc độ pháp lý sẽ khuyến khích Insurtech phát triển, khuyến khích các startup công nghệ.

QUY TRÌNH BỒI THƯỜNG BẢO HIỂM CÓ THỂ TÍNH THEO GIỜ, THẬM CHÍ MỘT VÀI PHÚT LÀ CÓ “TING TING”

Các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị bảo hiểm song hàm lượng công nghệ vẫn còn thấp. Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2023 và những năm sau, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhiều hơn, như các công nghệ dữ liệu lớn, trợ lý ảo, chatbot… nhằm tăng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng, tăng sự tương tác giữa doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ. Ứng dụng công nghệ có thể giúp giảm thiểu thời gian thẩm định hồ sơ bảo hiểm. Chẳng hạn, ông Dũng chia sẻ nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng hệ thống thẩm định tự động bằng robot, có thể đọc những bản ghi bằng chữ, phân tích dữ liệu nhanh.

Bà Lê Thị Thanh Vân cũng cho rằng trong những năm tới quy trình mua sản phẩm bảo hiểm và chi trả bồi thường có thể được đơn giản hóa và chuẩn hóa cho đa số trường hợp. Ngoài ra, CEO Saladin hy vọng khi công nghệ được ứng dụng sâu và phổ cập, chi phí quản trị sẽ thấp và chi phí mua bảo hiểm nói chung sẽ giảm. Như vậy, ngày càng có nhiều người được hưởng quyền lợi và được chia sẻ rủi ro bảo hiểm. 

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ có thể giảm thời gian xử lý sự kiện bảo hiểm. “Ví dụ, theo quy định của Nhà nước, một hồ sơ bồi thường bảo hiểm thông thường không quá 14 ngày. Bây giờ, các doanh nghiệp chi trả không tính theo ngày, mà theo giờ”, ông Dũng nói. “Với một số sự kiện bảo hiểm, khi nộp hồ sơ trên hệ thống, hệ thống có thể tự động duyệt chi trả, tiền được chuyển vào tài khoản khách hàng có khi chỉ một vài phút”.