Công nghệ đã được ứng dụng sâu vào thị trường bảo hiểm - Ảnh 1
Công nghệ đã được ứng dụng sâu vào thị trường bảo hiểm - Ảnh 2

Tất cả các khâu trong chuỗi giá trị bảo hiểm đều có sự “can thiệp” của công nghệ, ví dụ như khi thiết kế sản phẩm, công nghệ trí tuệ nhân tạo hay internet vạn vật đã được vận dụng để phân tích nhu cầu khách hàng. Hay những ứng dụng giúp tăng sự tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng như chatbot, trợ lý ảo... Công nghệ cũng được ứng dụng trong việc thẩm định hồ sơ chi trả, giúp đẩy nhanh thời gian chi trả của bảo hiểm với khách hàng. Nói chung, công nghệ đã liên quan đến tất cả các khâu trong cả quy trình bảo hiểm.

Công nghệ đã được ứng dụng sâu vào thị trường bảo hiểm - Ảnh 3

Như vậy có thể thấy công nghệ đã được nhúng sâu vào các khâu của quy trình bảo hiểm. Ông có thể cho biết cụ thể, công nghệ đã được các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam ứng dụng vào từng khâu như thế nào và mức độ ứng dụng này có “độ chênh” nào so với các doanh nghiệp bảo hiểm trên thế giới, thưa ông?

Trước hết, có thể nói quan sát trên thị trường ở thời điểm này chúng ta sẽ thấy các doanh nghiệp bảo hiểm đang ganh đua khốc liệt trong câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin nói chung để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tăng cường trải nghiệm tương tác với khách hàng, giảm thiểu thời gian chi trả của bảo hiểm.

Công nghệ cũng đã được ứng dụng sâu vào những khâu như thiết kế sản phẩm. Tại một thị trường bảo hiểm trên thế giới, công nghệ đã được ứng dụng để tạo ra những sản phẩm mang tính chất cá nhân hóa. Trước đây, một sản phẩm bảo hiểm được tạo ra sẽ phục vụ tất cả các đối tượng khách hàng. Giờ đây, công nghệ có thể biến sản phẩm đó trở nên chuyên nghiệp hóa, cá nhân hóa theo nhu cầu thực tế của từng khách hàng, hoặc là mức độ rủi ro. Chẳng hạn như việc sử dụng công nghệ để nắm bắt các dữ liệu trên xe ô tô, dữ liệu được truyền về doanh nghiệp bảo hiểm, từ đó doanh nghiệp bảo hiểm có thể ra sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở vận hành xe, tức là phí bảo hiểm tính trên số km vận hành của xe, tính đến cả phong cách người lái xe, lái nhanh hay lái ẩu, lái cẩn thận cũng sẽ được thể hiện. Với những dữ liệu đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể ra sản phẩm và tính phí riêng cho từng cá thể.

Thậm chí, ở nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm còn có những dịch vụ bảo hiểm dành riêng cho những người chỉ muốn bảo hiểm trong những ngày nghỉ cuối tuần, vì họ không có nhu cầu làm bảo hiểm tai nạn cho tất cả các ngày trong tuần, do ngày thường họ chỉ ở trong văn phòng và rất an toàn. Chỉ có công nghệ mới có thể giúp các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra những sản phẩm tùy biến tới mức độ như vậy.

Hiện giờ ở Việt Nam, chúng ta chưa thấy những sản phẩm như vậy được các doanh nghiệp chào bán. Thậm chí, đồng hồ thông minh có thể đếm được người đeo đi bao nhiêu bước chân mỗi ngày, nhận định khả năng vận động, đưa ra các chỉ số sinh học trong cơ thể. Những dữ liệu này cũng có thể giúp doanh nghiệp bảo hiểm tính được một mức phí bảo hiểm nhất định cho từng người. Nhưng Việt Nam chưa có những sản phẩm bảo hiểm như vậy và đến thời điểm này các doanh nghiệp chủ yếu vẫn ở đang ứng dụng công nghệ một phần vào nghiên cứu thị trường, dùng dữ liệu lớn, dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích.

Công nghệ đã được ứng dụng sâu vào thị trường bảo hiểm - Ảnh 4

Bên cạnh những tiềm năng cũng như cơ hội mà công nghệ mang lại cho ngành bảo hiểm, ông nhận thấy ngành Insurtech còn gặp những rào cản, khó khăn như thế nào?

Thách thức đầu tiên phải nói đến là đầu tư. Doanh nghiệp có sẵn sàng đầu tư cho công nghệ không? Bởi vì, câu chuyện đầu tư cho công nghệ không hề đơn giản. Ngay cả chuyện tạo ra app (ứng dụng) bảo hiểm, doanh nghiệp cũng cần có một hệ thống vận hành, quy trình nghiệp vụ.

Thách thức thứ hai là vấn đề đào tạo nhân sự khi ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, có thể nhiều bộ phận sẽ phải giảm bớt số lượng nhân sự khi công nghệ được ứng dụng. Đó cũng là câu chuyện mà doanh nghiệp phải tính toán.

Thách thức thứ ba liên quan đến việc tạo ra những sản phẩm giá trị khi ứng dụng công nghệ. Bởi vì sản phẩm bảo hiểm có nhiều loại, kể cả bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm phi nhân thọ, vậy nên ứng dụng công nghệ vào sản phẩm nào để có thể tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ. Chẳng hạn, với các sản phẩm như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm lỡ chuyến đi thì có thể ứng dụng công nghệ, nhưng những sản phẩm bảo hiểm khác sẽ cần quá trình tư vấn của các tư vấn viên nhiều hơn.

Đó là những thách thức về mặt công nghệ. Trong khi đó, ngành Insurtech cũng đang phải đối mặt với những khó khăn pháp lý nhất định. Tuy Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã có những hướng dẫn cởi mở hơn, ví dụ như cho phép giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm, công nhận chữ ký số, công nhận giấy chứng nhận điện tử... Nhưng doanh nghiệp Insurtech vẫn gặp một số hạn chế khi thực thi. Tại một số nước phát triển, cơ quan quản lý phải tạo ra khung pháp lý tạm thời có kiểm soát, để quản lý những nội dung mới xuất hiện trong ngành, bởi vì Insurtech có rất nhiều vấn đề khó áp dụng với bộ luật cũ. Tạo ra những động lực mới từ góc độ pháp lý sẽ khuyến khích Insurtech phát triển, khuyến khích các startup công nghệ.

Công nghệ đã được ứng dụng sâu vào thị trường bảo hiểm - Ảnh 5

Có thể nói là hành lang pháp lý cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Theo ông, hiện nay Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách nào để có thể hỗ trợ cho sự phát triển của công nghệ bảo hiểm?

Trong các quy định mới có Luật Kinh doanh bảo hiểm mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và tới đây là sẽ là nghị định hướng dẫn luật cũng như thông tư hướng dẫn sửa đổi trực tiếp của luật và nghị định. Trong Luật Kinh doanh bảo hiểm mới ban hành có công nhận những giao dịch điện tử, các điều khoản để hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho ngành bảo hiểm và những ứng dụng sử dụng qua không gian mạng, đó là những vấn đề được đề cập trong đợt mới của nghị định. Tôi tin sẽ có những hướng dẫn để giúp các doanh nghiệp có thể tăng cường ứng dụng công nghệ.

Để ứng dụng công nghệ được thực hiện mạnh mẽ và dễ dàng hơn trong lĩnh vực bảo hiểm, Nhà nước nên có những khuôn khổ pháp lý để những doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống đang hoạt động ở Việt Nam nếu muốn sử dụng các công nghệ mới có thể phối hợp với những công ty startup về công nghệ để cùng phát triển cách làm mới, sản phẩm mới.

Công nghệ đã được ứng dụng sâu vào thị trường bảo hiểm - Ảnh 6

Trong bối cảnh công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực bảo hiểm thì bảo hiểm nhúng đã được thúc đẩy nhiều hơn trong thời gian gần đây. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về bảo hiểm nhúng và ở Việt Nam bảo hiểm nhúng đang phát triển như thế nào?

Trước hết, nói đến khái niệm nhúng, bán hàng nhúng thì tôi nghĩ rằng Việt Nam là “ông tổ” của việc bán hàng nhúng. Thời bao cấp chúng ta vẫn thường nói đến câu chuyện “bán bia kèm lạc”. Bởi vì, ngày xưa bia rất hiếm, muốn mua bia thì phải mua kèm lạc hoặc bánh khúc. Khái niệm “bán hàng nhúng” mà trong ngành bây giờ gọi là “bảo hiểm nhúng”, hiểu nôm na là bán tích hợp cũng được.

Quay lại khái niệm bảo hiểm nhúng. Bất kể cái gì bán kèm với sản phẩm hay dịch vụ mà bên đối tác thứ ba đang bán nhúng vào bảo hiểm thì gọi là bảo hiểm nhúng. Ví dụ chúng ta đi du lịch, khi làm thủ tục mua vé máy bay, các app mua vé nhúng thêm một lựa chọn là mua bảo hiểm, hoặc đơn giản hơn như đi grab bike, ứng dụng có thêm một box mua bảo hiểm chuyến đi, kiểu bảo hiểm tai nạn. Tùy theo lựa chọn của khách hàng, thấy thuận tiện, hữu ích thì tích vào và mua.

Tất cả điều đó tạo ra một sản phẩm phù hợp nhất để bán tại thời điểm phù hợp nhất và cần thiết nhất với người mua sản phẩm dịch vụ của bên thứ ba. Bảo hiểm nhúng sẽ có hai dạng: thứ nhất là nhúng luôn vào, buộc khách hàng phải mua luôn, cái này cũng đã có từ lâu, thứ hai là khách hàng có quyền lựa chọn mua bảo hiểm đi kèm dịch vụ, như khi chúng ta đi Grab hoặc Uber.

Bảo hiểm nhúng mang lại tiện ích và trải nghiệm mới cho khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết kế làm sao để khách hàng lựa chọn mua, đó mới là thành công của công ty startup công nghệ cũng như doanh nghiệp bảo hiểm hay bên thứ ba cung cấp dịch vụ.

Sản phẩm bảo hiểm nhúng có nhiều cái thuận, thuận cho doanh nghiệp bảo hiểm, có thể bán bảo hiểm cho tệp khách hàng cố định và rất lớn, rất đều đặn. Trong khi đó cái thuận của khách hàng là phí bảo hiểm sẽ rẻ hơn cách truyền thống, không cần đến tư vấn viên hay các thủ tục khác. Ngoài ra, với khách hàng, muốn mua hay không là do mình lựa chọn, cần là có, chứ không phải gọi cho công ty bảo hiểm trước chuyến đi du lịch. Bảo hiểm nhúng cũng tạo thuận tiện về mặt thẩm định, kể cả thẩm định hồ sơ vì mọi thứ được tự động.

Tóm lại, ứng dụng công nghệ vào bảo hiểm đã giúp ngành bảo hiểm thiết kế nên những sản phẩm phù hợp, thuận tiện, cá nhân hóa. Bảo hiểm nhúng là một sản phẩm của công nghệ bảo hiểm, mà điểm quan trọng nhất là nó phù hợp với từng đối tượng khách hàng, được mua đúng thời điểm và mức giá không quá cao.

Công nghệ đã được ứng dụng sâu vào thị trường bảo hiểm - Ảnh 7

Ông có dự báo như thế nào về sự phát triển của thị trường Insurtech trong năm 2023 và trong 2-3 năm tới? 

Như tôi đã đề cập ở trên, trong chuỗi giá trị của một sản phẩm bảo hiểm thì các doanh nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ từ khâu nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm. Tuy nhiên, mức độ hàm lượng công nghệ vẫn còn rất thấp. Ví dụ như hay nói đến dữ liệu lớn, nhưng thực tế dữ liệu lớn tập hợp bảo hiểm ở Việt Nam thì các doanh nghiệp chưa có dữ liệu tập trung như vậy.

Rõ ràng những doanh nghiệp dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích hành vi khách hàng rồi thông qua những khảo sát mà người ta mua lại của những công ty công nghệ để thiết kế sản phẩm thì đấy cũng là một cái xu hướng để đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.

Ví dụ chúng ta thường bị gọi hỏi có mua bất động sản hay mua bảo hiểm nhân thọ không? Việc dùng trí tuệ nhân tạo hay dùng những thông số trên internet vạn vật và phân tích sau này sẽ giúp doanh nghiệp xác định rõ được tập khách hàng tiềm năng và có nhu cầu mua sản phẩm. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động cũng như đỡ gây phiền hà cho khách hàng.

Trong năm 2023 và những năm tới, việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để tăng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng, tăng sự tương tác giữa doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.

Đơn cử như tổng đài chăm sóc khách hàng sẽ có những trợ lý ảo tự động, chatbot để đảm bảo thông tin phản hồi được nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi cho khách hàng, hay thời gian thẩm định hồ sơ bảo hiểm sẽ được giảm thiểu. Hiện nay trên thế giới đã có hệ thống thẩm định tự động bằng robot có khả năng đọc được những bản ghi bằng chữ viết tay và phân tích dữ liệu rất nhanh. Tại Việt Nam, có thể trong một vài năm tới sẽ ứng dụng các công nghệ như vậy để giúp việc thẩm định hồ sơ được thực hiện nhanh hơn.

Tôi cũng hy vọng, các doanh nghiệp và công nghệ mới sẽ giúp tạo ra các sản phẩm mới, chẳng hạn bảo hiểm cho xe ô tô có mức phí dựa trên nhu cầu sử dụng xe thực tế của khách hàng, hay bảo hiểm sức khỏe có mức phí dựa trên thể trạng và mức độ vận động của người dùng, được hỗ trợ đo đếm bởi các thiết bị đeo công nghệ. Ví dụ như với người dùng chăm vận động và luyện tập thể thao thì có thể được hưởng mức phí tốt hơn so với những người khác dù trong cùng độ tuổi.

Công nghệ đã được ứng dụng sâu vào thị trường bảo hiểm - Ảnh 8

VnEconomy 04/04/2023 13:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Công nghệ đã được ứng dụng sâu vào thị trường bảo hiểm - Ảnh 9