Vải, nhãn được mùa, lại lo khâu tiêu thụ
Nhờ thời tiết thuận lợi, nhãn, vải năm nay dự báo sẽ được mùa với sản lượng cao nhất trong 10 năm qua, nhưng điều này lại đang khiến các địa phương đau đầu lo khâu tiêu thụ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với 5 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Hưng Yên tổ chức "Hội nghị thúc đẩy chăm sóc và tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía Bắc niên vụ 2018".
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích 98,3 nghìn ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền Bắc.
Trong đó, cây vải có 58,8 nghìn ha, nhãn 39,5 nghìn ha, tập trung tại một số tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Những năm gần đây, sản lượng vải luôn ở mức 300-350 nghìn tấn/năm, đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ). Sản lượng nhãn cũng duy trì ở mức 500-550 nghìn tấn/năm.
Theo ông Sơn, do thời tiết khí hậu thuận lợi nên cây vải, nhãn đang sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả đạt trên 90%, và nếu không có mưa đá, mưa bão lớn... thì sản lượng vải, nhãn thu hoạch sẽ rất cao.
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho hay, năm 2018, diện tích cây vải của tỉnh Hải Dương khoảng 10.500ha. Diện tích vải được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU trên địa bàn tỉnh có 131,68ha.
Do thời tiết thuận lợi, dự kiến năm nay vải được mùa, sản lượng đạt cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, đạt khoảng 55.000-60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm 2017.
Ông Cương nêu vấn đề, sản lượng vải của cả nước dự kiến rất lớn, trong khi Trung Quốc vừa đưa ra yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm.
Đây là rào cản mới cho nông sản Việt khi xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong khi, công nghệ bảo quản, chế biến vải còn lạc hậu, thời gian bảo quản vải tươi không dài (chỉ dưới 25 ngày), mà thời vụ thu hoạch lại ngắn, tập trung nên khó khăn cho vận chuyển, tiêu thụ.
"Tỉnh Hải Dương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải để mở rộng thị trường, nhất là các thị trường truyền thống, các thị trường gần và có nhiều tiềm năng như: Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản", ông Cương nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Sơn La có 5.000 ha vải và 11.000 ha nhãn. Thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp lớn nào tới Sơn La kết nối tiêu thụ, thông tin thị trường còn hạn chế, Trung Quốc là thị trường lớn nhưng vẫn chưa hiểu rõ về thị trường này. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giúp Sơn La kết nối với thị trường Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, thu hoạch vải chính vụ sẽ từ 15/6 – 25/7, và dự báo được mùa, tạo áp lực lớn cho Bắc Giang trong tìm kiếm và tiêu thụ quả vải.
"Bắc Giang cũng đang quan tâm tới chính sách mới của Trung Quốc về nhập khẩu hoa quả. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm đàm phán và hướng dẫn cụ thể cho người trồng vải Bắc Giang, và mong các doanh nghiệp lớn tới Bắc Giang để ký hợp đồng tiêu thụ", bà Hà nói.
Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho hay, sản lượng vải của tỉnh tăng 15%, nhãn 20% với sản lượng 41.000 tấn nhãn và 12.000 tấn vải. Tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, quản bá xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp về Hưng Yên bàn các giải pháp tiêu thụ, tổ chức hội chợ ở Ecopark (Hà Nội).
Còn đại diện tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, tỉnh đã đầu tư đường ra 12 cửa khẩu giáp Trung Quốc, xây dựng bến bãi tập kết, tạo mọi thuận lợi cho hoa quả xuất khẩu. Đang xây dựng tuyến đường sắt. Mở một số cửa khẩu chuyên để xuất khẩu hàng. Tổ chức phân luồng sớm để tránh ùn ứ, kéo dài thời gian thông quan tới 9 giờ đêm và đàm phán với phía bạn để thông quan cả ngày nghỉ.
Theo đại diện Bộ Công Thương, khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần lưu ý, họ sẽ tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhập khẩu.
Từ 1/4/2018, doanh nghiệp Trung Quốc khi nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam phải xin giấy phép tại Cục Kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh Quảng Tây và cung cấp hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm...
Cục Trồng trọt cho rằng, nhằm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm, nên đẩy mạnh chế biến truyền thống như sấy khô để giảm sức ép tiêu thụ quả tươi; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ quả vải, nhãn.
Cần sử dụng hiệu quả các kho ngoại quan để lưu chứa, tạm trữ quả vải, nhãn; chuẩn bị đầy đủ dịch vụ hậu cần để tổ chức tiêu thụ kịp thời sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng về thủ tục hành chính, giao thông, vận chuyển phục vụ tiêu thụ quả vải, nhãn.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Sơn La sớm hoàn thành hai nhà máy chế biến rau quả, để giúp giảm áp lực cho người dân phải bán hoa quả tươi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tạo điều kiện để các tỉnh tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội.
Đồng thời lưu ý các tỉnh quan tâm tới thị trường phía Nam. Với thị trường Trung Quốc, "Chúng ta đã cử người sang Quảng Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho người dân và các tỉnh. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân. Được mùa nhưng không được mất giá ", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.