12:55 28/06/2022

VCCI đề xuất Chính phủ xây dựng luật riêng về kinh tế tuần hoàn

Nguyễn Tuyến

Theo đại diện VCCI, để đạt được mục tiêu phát thải ròng thấp hướng tới mức bằng 0 vào năm 2050 như Chính phủ đề ra tại hội nghị COP26, ngoài quyết tâm về chính trị, rất cần sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, xã hội ở các cấp, các địa phương khác nhau...

Ông Bùi Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị
Ông Bùi Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị

Sáng này 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”. Sự kiện có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan, đại diện các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trình bày tham luận tại sự kiện, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết thời gian qua, những hành động và cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thời gian qua thể hiện trách nhiệm, quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động kinh tế sang mô hình tuần hoàn, góp phần giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu, vì sự phát triển bền vững, bao trùm của đất nước.

KHÔNG CHỈ QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ

Tuy nhiên, đại diện VCCI cũng nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu phát thải ròng thấp hướng tới mức bằng 0 vào năm 2050 như Chính phủ đề ra tại hội nghị COP26, ngoài quyết tâm về chính trị, rất cần sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, xã hội ở các cấp, các địa phương khác nhau.

“Việt Nam phải xây dụng chính sách và có những hành động thực tế nhằm thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương để thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo những đánh giá ban đầu do VCCI phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước thực hiện với một số khu vực doanh nghiệp và một số ngành hàng cụ thể tại Việt Nam, việc thực hiện mô hình kinh doanh tuần hoàn trong doanh nghiệp còn hạn chế, năng lực và khả năng chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh tuần hoàn là thấp; khả năng đáp ứng liên kết giữa các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cũng ứng, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn còn rất hạn chế trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan như hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực và nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, cơ sở hạ tầng và khung khổ pháp luật, chính sách chưa hoàn thiện đồng bộ…

“Để vượt qua các thách thức, thúc đẩy việc chuyển đổi, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, giải pháp quan trọng là cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói. “Nhà nước, Chính phủ định hướng, tạo cơ sở pháp lý và chính sách rõ ràng cùng với việc tạo mô trường, cơ chế ưu đãi phù hợp để doanh nghiệp có động lực nâng cao nhận thức, từng bước đầu tư và phát triển năng lực chuyển đổi, phát triển sản xuất theo mô hình kinh doanh tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng các yêu cầu của xu thế phát triển mới trên thế giới”.

Đại diện VCCI cũng cho rằng để hài hòa, cân bằng lợi ích phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của kinh tế Việt Nam, Nhà nước và Chính phủ cần tiếp nhận ý kiến, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, kinh nghiệm quốc tế để làm căn cứ từ đó định hướng, lựa chọn một số ngành nghề, lĩnh vực phù hợp để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đề ra lộ trình thích hợp và cam kết mạnh mẽ để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện.

Đối với một số ngành kinh tế cụ thể, Nhà nước và Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi mà không trái với các cam kết thương mại quốc tế.

“Nhà nước, Chính phủ nghiên cứu khả năng xây dựng, ban hành luật riêng về kinh tế tuần hoàn, gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn với đổi mới sáng tạo, tạo cơ chế huy động các nguồn tài chính xanh…”, ông nêu rõ.

NĂM KIẾN NGHỊ CỦA VCCI

Tại hội nghị, đại diện VCCI đã đề xuất năm kiến nghị cụ thể trong trung và dài hạn để tiếp tục tăng cường hợp tác giưa Nhà nước, Chính phủ và doanh nghiệp trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Một là, xây dựng cơ chế khuyến khích việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Nghĩa, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Các hỗ trợ về mặt tài chính, cơ sở hạ tầng (hệ thống thu gop, tái chế, ràng buộc trách nhiệm…), nguồn nhân lực, thông tin để thực hiện các yêu cầu căn bản của việc vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ ở doanh nghiệp, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực riêng lẻ là hết sức cần thiết để tạo cơ chế và hạ tầng hiệu quả khuyế khích thúc đẩy áp dụng nguyên lý của mô hình kinh tế tuần hoàn trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần có hệ thống tiêu chí đánh giá, ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn theo các thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đồng thời khuyế khích, động viên, vinh danh và nhân rộng các điển hình tốt.

Hai là, thúc đẩy và tham gia hợp tác quốc tế hiệu quả trong các hiệp định và cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và phát triển xanh, các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia và các nền kinh tế phát triển để tăng cường nhận thức, năng lực, hợp tác tiếp thu kiến thúc, kinh nghiệm để chuyển giao công nghệ và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

“Một số chương trình hợp tác của Chính phủ với các đối tác quốc tế cũng đã thí điểm đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở thí điểm. Do vậy, Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tăng cường hành động hợp tác và triển khai kinh tế tuần hoàn”, đại diện VCCI nêu đề xuất.

Ba là, tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực thành công để làm cơ sở phổ biến, nhân rộng.

“Về bản chất, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn là tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên liệu vật liệu, sản phẩm để từng bước góp phần phục hồi hệ sinh thái mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và cần có sự tham gia của tất cả các bên trong trong chuỗi giá trị sản phẩm. Do vậy, các cơ quan Nhà nước, Chính phủ có thể lựa chọn đầu tư cho một vài chuỗi sản phẩm tiên phong trong thực hiện sản xuất, kinh doanh tuần hoàn để mô hình điển hình bền vững”, đại diện VCCI kiến nghị.

Bốn là, hỗ trợ tiếp cận theo phương thức đầu tư hợp tác công tư nhằm huy động tối đa nguồn lực các bên liên quan để thúc đẩy triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phương thức đối tác công tư là phương thức dầu tư hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Cách tiếp cận của phương thức này dựa trên sự thừa nhận về vai trò, sự bình đẳng của các đối tác. Trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, các bên liên quan bao gồm các nhà sản xuất, nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng và xã hội.

Năm là, sự cần thiết đầu tư nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp như VCCI, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để tăng cường khả năng tập hợp, đối thoại, góp ý hoàn thiện thể chế, chinhs ách kinh tế, phổ biến chính sách pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế với các tiêu chuẩn cao…