11:26 28/06/2022

Kinh tế tuần hoàn chìa khóa để phát triển bền vững

Nhĩ Anh

Kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp...

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc hội nghị
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc hội nghị

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh quan điểm này tại Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 28/6/2022. Đây là Hội nghị khởi động thực hiện chủ trương lớn của Việt Nam; triển khai Luật bảo vệ môi trường năm 2020, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

LỢI ÍCH LỚN TỪ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN

Nói về quá trình cam kết thực hiện chống biến đổi khí hậu, thay đổi nhiên liệu than sang tái tạo, chuyển đổi sang năng lượng xanh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây là một thách thức lớn, đòi hỏi tư duy đổi mới….

Báo cáo Biến đổi khí hậu 2022 của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC-AR6) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, nếu mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không được kiểm soát ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, loài người và môi trường tự nhiên có nguy cơ sẽ chịu nhiều tác động không thể đảo ngược. IPCC ước tính, kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt và một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 01 tháng mỗi năm.

 
Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Trong tháng 5 năm 2022, Tổ chức Khí tượng thế giới vừa mới công bố 04 chỉ số chính về biến đổi khí hậu, bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt đại dương và axit hóa đại dương đã lập kỷ lục mới vào năm 2021, cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi ở quy mô cấp hành tinh trên đất liền, trong lòng đại dương và bầu khí quyển, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.

Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể phục hồi, ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), gia tăng các thách thức về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước.

Đây là vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Người đứng đầu ngành tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Đây là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển; chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.

So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...

CHUNG TAY CHUNG TAY HỢP TÁC, SẺ CHIA VÀ CÙNG HÀNH ĐỘNG

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hết sức quan tâm đến Hội nghị này và chỉ đạo gửi tới Hội nghị thông điệp: Để thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn cần sự chung tay chung tay sẻ chia và cùng hành động trong giảm phát thải khí các-bon hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng “0” như cách nhân loại đã cùng nhau ứng phó với đại dịch Covid-19.

Nhấn mạnh về cơ chế hợp tác giữa các quốc gia cũng như với các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng cho rằng, sức mạnh đoàn kết hợp tác, chia sẻ, sự nỗ lực của không chỉ 1 quốc gia, doanh nghiệp mà toàn thế giới. Để đạt kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp cần chuyển giao công nghệ, gỡ bỏ các rào cản bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với các nước đang phát triển. Chìa khóa để đạt được kinh tế tuần hoàn là công nghệ xanh, công nghệ hiện đại.

 
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Luật Bảo vệ môi trường cũng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực đầu năm 2022.

Thông qua Hội nghị trao đổi để Chính phủ, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cần có hành động. Cùng với đó trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, Chính phủ cần hoàn thiện chính sách như thế nào để có thể kết nối doanh nghiệp và người dân; khuyến khích nền kinh tế tự cường, phát huy tính năng động sáng tạo của doanh nghiệp, kết nối tư duy sáng tạo của các nhà sáng chế với doanh nghiệp.

Cùng với đó kêu gọi sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội, từ thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ các sản phẩm đã qua sử dụng đến chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế.

Thông qua Hội nghị với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp cho xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Sau hội nghị sẽ tạo ra một phong trào, triển khai sâu rộng, có thể trở thành một chủ trương hành động với quyết tâm cao và được thực hiện từ chính những người dân trong từng công việc của mình đều có tư duy kinh tế tuần hoàn, tham gia vào phong trào mang tính cách mạng này.

Phong trào này có thể làm thay đổi thế giới, thay đổi tư duy dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch sang nền kinh tế dựa vào năng lượng tái tạo. Bộ trưởng cho rằng cần kế hoạch hành động, cam kết rõ ràng từ Chính phủ; có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, nhân rộng mô hình phong trào này.

Vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong các chương trình nghị sự của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chương trình, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Luật Bảo vệ môi trường cũng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực đầu năm 2022.

Để hiện thực hóa chủ trương này, Chính phủ cần có lộ trình, kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng để tạo thuận lợi trong triển khai.

Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có những đề xuất sáng kiến cho hoạt động này, để lan tỏa các mô hình triển khai thành công. Đặc biệt cần ủng hộ, hình thành những doanh nghiệp tiên phong đi đầu đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tuần hoàn.