13:21 24/12/2007

Vertu, “đứa con cưng” của Nokia

Kiều Oanh

Hàng năm, Vertu đem về cho Nokia khoảng 1,6 tỷ USD, xấp xỉ 3% doanh số 58 tỷ USD của tập đoàn này

Thị trường của những chiếc điện thoại cao cấp như Vertu có lẽ lớn hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ.
Thị trường của những chiếc điện thoại cao cấp như Vertu có lẽ lớn hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ.
Không ít người cho rằng mình đã “vung tay quá trán” khi chi vài trăm USD để mua một chiếc iPhone của Apple hay Prada của LG.

>>Điện thoại cao cấp: Cung không đủ cầu

Tuy nhiên, đối với những người siêu giàu, một chiếc điện thoại cao cấp hoàn toàn không phải là một chiếc iPhone hay một chiếc Prada. Họ có thể bỏ ra nhiều nghìn USD, hoặc thậm chí hàng triệu USD để mua một chiếc điện thoại di động vỏ bằng vàng, gắn đá quý và nhiều đặc điểm vượt trội khác mà những chiếc điện thoại vài trăm USD “có mơ cũng không thấy”.

Điển hình nhất trong hàng ngũ điện thoại đẳng cấp cao hiện nay chính là Vertu. Là một công ty con đặt tại Anh của hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới mang “quốc tịch” Phần Lan Nokia, Vertu là nơi xuất xưởng những chiếc điện thoại di động có giá từ 6.500 USD đến 72.500 USD. Thậm chí cả những chiếc Vertu “rẻ” nhất cũng được chế tạo từ những vật liệu như vàng 18 cara và da Italy. Còn những chiếc Vertu đắt nhất thì được gắn tới vài trăm viên kim cương và các loại đá quý khác.

Thêm vào đó, với bất kỳ chiếc Vertu nào, chủ sở hữu cũng có thể truy cập vào một dịch vụ trực tuyến hoạt động 24/24 giờ để được cung cấp thông tin về nhà hàng địa phương, đặt vé xem hát, tới thuê máy bay phản lực…ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Thị trường của những chiếc điện thoại cao cấp như Vertu có lẽ lớn hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ. Nokia không cung cấp các con số thống kê về doanh số của dòng điện thoại này, nhưng công ty tư vấn viễn thông Strategy Analytics của Anh thì cho rằng, có khoảng 200.000 chiếc điện thoại Vertu được bán ra mỗi năm, với giá bình quân 8.000 USD/chiếc. Như vậy có nghĩa là, Vertu đem về cho Nokia khoảng 1,6 tỷ USD, xấp xỉ 3% doanh số 58 tỷ USD của tập đoàn.

Chủ tịch phụ trách bộ phận Vertu, ông Alberto Torres, cho biết, doanh số của Vertu có khả năng đạt mức tăng trưởng 120% trong năm nay. Năm ngoái, doanh số của dòng điện thoại này tăng tới 140%, nhờ nhu cầu bùng nổ ở các thị trường Nga, Trung Quốc và Trung Đông. “Có thể thấy, thị trường điện thoại cao cấp sẽ dễ dàng đạt tới mức vài tỷ USD trong mấy năm tới”, ông Torres dự báo.

Thành công của bộ phận Vertu trái ngược hẳn với chiến lược phát triển mảng điện thoại giá rẻ ở các thị trường đang nổi lên như Ấn Độ và Brazil của Nokia. Ngạc nhiên hơn, các thị trường này lại đang là thị trường quan trọng nhất của Vertu. Tầng lớp tỷ phú, triệu phú ở các nước này đang rất “sính” Vertu và coi đây là một trong những thứ “trang sức” thể hiện đẳng cấp.

Theo ông Torres, doanh số của Vertu tại Nga hiện lớn hơn tại bất kỳ một quốc gia Tây Âu nào. Lượng điện thoại Vertu được tiêu thụ tại Trung Đông cũng sẽ tăng hàng năm ở mức 3 con số cho tới năm 2010. Tại Mỹ, doanh số của Vertu trong năm ngoái cũng tăng tới 200%. Đối với thị trường vốn rất chuộng công nghệ là Nhật Bản, Vertu đã lên kế hoạch gia nhập vào nửa cuối năm 2008.

Hiện một số đặc điểm của Vertu đã được đưa vào vài mẫu điện thoại cao cấp khác của Nokia. Tháng 12 này, Nokia đã tung ra hai phiên bản của Nokia 8800 có vỏ da và bàn phím nạm đá sapphire, với mức giá khoảng 1.500 USD/chiếc.

“Nokia có thể áp dụng các đặc điểm được ưa chuộng ở Vertu cho những chiếc điện thoại phổ thông hơn”, nhà phân tích Steven Hartley tại công ty tư vấn viễn thông Ovum ở London nhận định. Mối quan hệ giữa Nokia và Vertu có thể sẽ giúp hãng điện thoại Phần Lan đẩy lui các đối thủ khác đang “nhăm nhe” nhằm vào những khách hàng siêu giàu.

Một số hãng điện thoại khác như GoldVish của Thụy Sỹ và Gresso của Nga cũng đã tung ra các mẫu di động gắn kim cương và vỏ bằng vàng, với giá lên tới hàng ngàn USD. Tuy nhiên, danh hiệu chiếc điện thoại di động đắt giá nhất thế giới, hiện dành cho chiếc Crypto vỏ bạch kim, nạm kim cương, sản phẩm của công ty bảo vệ dữ liệu Ancort của Nga. Chiếc điện thoại này có giá 1,3 triệu USD.

Nhiều hãng sản xuất đồng hồ cao cấp như Tag Heuer cũng đã công bố kế hoạch gia nhập thị trường điện thoại hạng sang. Hãng điện thoại hàng đặt Amosu của Anh mới đây cũng đã nhảy vào lĩnh vực này với phiên bản nạm kim cương của chiếc iPhone có giá 40.000 USD.

“Khi mà Vertu đem về cho Nokia khoản lợi nhuận mỗi lúc một lớn, các đối thủ khác cũng đề cao thị trường này hơn”, một chuyên gia nhận xét. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, sự kết hợp giữ công nghệ của Nokia và nhu cầu cao của khách hàng đối với chiếc Vertu vẫn giúp thương hiệu này có ưu thế vượt trội trong cuộc đua.

(Theo BusinessWeek)