Vì sao doanh nghiệp nội chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng?
Còn nhiều "nút thắt" khiến doanh nghiệp khó tham gia vào chuỗi cung ứng
Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam hiện đang có độ mở lớn và hội nhập ngày càng sâu hơn. Nhưng, doanh nghiệp nội địa vẫn chưa thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp nội địa đang ở đâu trong chuỗi cung ứng?
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam trong phiên tọa đàm Hướng về tầm nhìn Việt Nam - Xu thế, cơ hội và thách thức mới đây, đã chia sẻ rằng, so với các quốc gia trong khu vực, một trong những hạn chế lớn nhất khiến Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu chính là thiếu liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu.
Dẫn thực tế từ nghiên cứu về vai trò của một doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại Việt Nam về chip và máy tính là Intel, ông Thành cho biết, phân bổ những lợi nhuận có được từ chuỗi cung ứng toàn cầu, hầu như những doanh nghiệp nội địa Việt Nam rất ít có sự hiện diện trong chuỗi sản xuất các linh kiện sử dụng trực tiếp bởi Intel.
Doanh nghiệp của chúng ta cũng không có những dịch vụ có giá trị gia tăng lớn như dịch vụ vận tải logictics, bảo hiểm, tài chính, thậm chí ngay cả dịch vụ cung ứng thực phẩm, an ninh…Thay vào đó là chỉ cung ứng những tư liệu sản xuất gián tiếp cho Intel với các thiết bị vô cùng nhỏ lẻ.
Nghiên cứu thực hiện tại Samsung, một công ty xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng theo ông Thành câu chuyện cũng tương tự như Intel.
Liên quan đến sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng cho Samsung, chuyên gia cho rằng vẫn còn khó để các công ty nội địa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng vật tư, linh kiện trực tiếp cho doanh nghiệp này.
Dĩ nhiên, có những lý do của xu hướng này mà theo ông Thành thì trước hết là môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay dường như còn những chính sách không thuận tiện cho doanh nghiệp trong nước để cung ứng cho các công ty xuất khẩu.
"Trên thực tế, môi trường của chúng ta rất mang tính kiến tạo và thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài có định hướng xuất khẩu, tuy nhiên lại không thuận lợi cho những doanh nghiệp không tham gia vào thương mại quốc tế. Đại đa số những công ty thuận lợi thì lại làm ở lĩnh vực tài chính hoặc bất động sản, nhưng họ lại không tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", chuyên gia này lý giải.
Chẳng hạn như chính sách tiếp cận đất đai, nguồn vốn, nếu là doanh nghiệp nước ngoài, FDI, hay doanh nghiệp nội địa nhưng xuất khẩu trực tiếp thì sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ là doanh nghiệp nội địa, kể cả khi doanh nghiệp đó cung ứng sản phẩm dịch vụ cho những doanh nghiệp định hướng xuất khẩu, thì có thể không nhận được nhiều ưu đãi thuận lợi.
"Như vậy tôi nhận thấy hiện đang có một sân chơi không bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI hay có định hướng xuất khẩu và doanh nghiệp nội địa", ông Thành nhấn mạnh.
Lao động có tay nghề cao vẫn phải thuê
Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng được chuyên gia này cho rằng có ảnh hướng lớn đến việc tham gia chuỗi cung ứng là liên quan đến trình độ tay nghề khi lao động của chúng ta vẫn đang yếu trong mảng này. Theo ông, hiện nay, Việt Nam vẫn đang thiếu nguồn cung về đội ngũ lao động quản lý, kỹ sư có tay nghề cao.
"Tôi biết có một số doanh nghiệp ở Tp Hồ Chí Minh và các vùng lân cận có mong muốn trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI thì điều đầu tiên họ cần làm là phải thuê hoặc tuyển những kỹ sư, quản lý từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan với tay nghề cao. Nhờ đó họ tận dụng được năng lực về công nghệ, kỹ năng quản lý, quản trị của lực lượng lao động nước ngoài tay nghề cao này nhằm đáp ứng được yêu cầu của đối tác xuất khẩu".
Thậm chí, nếu xét về kỹ năng của lao động Việt Nam so với tương quan các nước trong khu vực như Thái Lan thì thấy họ đã vượt qua chúng ta rất nhiều. "Rõ ràng là cần phải đào tạo nhiều hơn nữa về kỹ năng, kỹ thuật cho người lao động để theo kịp sự phát triển của các quốc gia trong khu vực, đây là một chỉ số chúng ta không thể bỏ qua", chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, song bà Marva Corley-Coulibaly, Trưởng phòng Toàn cầu hóa, Cạnh tranh và Tiêu chuẩn lao động thuộc Tổ chức Lao động quốc tế khẳng định thêm rằng, hiện nay, những yếu tố cạnh tranh về lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam như trước đây.
Cùng với đó, các xu hướng khác như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đang có những hấp dẫn nhất định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất quay trở lại gần hơn với thị trường tiêu thụ cuối cùng của sản phẩm.
Như vậy, để một quốc gia có thể tham gia vào tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì chỉ những mắt xích thấp thì yêu cầu đặt ra là cần nâng cao kỹ năng nghề của người lao động. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì chính quốc gia đó sẽ bị bỏ ngoài chuỗi cung ứng.