Vì sao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực?
Nguyên nhân do đâu mà trong những năm qua các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò chủ lực của kinh tế nhà nước
Theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cần làm rõ nguyên nhân do đâu mà trong những năm qua các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò chủ lực của kinh tế nhà nước.
Thẩm tra về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2018 là nội dung báo cáo vừa được Uỷ ban Kinh tế hoàn thành.
Đầu kỳ họp này của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ cho biết, kết thúc năm tài chính 2018, có 855 doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp là 1.533.001 tỷ đồng.
Có 110/855 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị lỗ (chiếm 13% tổng số doanh nghiệp có vốn Nhà nước). Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước là 367.712 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Chính phủ thì doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nguồn thu cho ngân sách, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.
Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng so với năm 2017 (tài sản tăng 2%, vốn chủ sở hữu tăng 5%) nhưng nộp ngân sách nhà nước vẫn có tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng doanh thu, lợi nhuận trước thuế.
Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tuy nhiên doanh nghiệp nhà nước là chủ lực của kinh tế nhà nước nhưng kém hiệu quả, do đó chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ nguyên nhân do đâu mà trong những năm qua các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò chủ lực của kinh tế nhà nước, từ đó đưa ra các giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thời gian qua, rút kinh nghiệm để triển khai có hiệu quả trong giai đoạn tới, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành
Tại báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế nêu khá nhiều giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới, trong đó có đề nghị kiên quyết thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành tại các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ không có thông tin về nội dung này, dù nhiều năm trước các báo cáo về doanh nghiệp nhà nước từ Chính phủ luôn có con số đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bên cạnh nội dung trên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác.
Theo cơ quan thẩm tra, cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.