22:24 20/05/2023

Vì sao lại kiến nghị trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng?

Đỗ Như

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có đơn kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo xây dựng dự án sửa đổi Luật Giáo dục đại học, trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật sớm nhất có thể...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, trình độ cao đẳng xuất hiện bởi nhu cầu thực tiễn, được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, dẫn dắt theo chuẩn mực quốc tế. Kết quả này đã góp phần hoàn thiện bậc đại học với 4 trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã bãi bỏ trình độ cao đẳng khỏi bậc đại học. Việc này khiến nhiều hội viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và không ít người quan tâm đến giáo dục đại học không thông suốt và đồng tình. 

Vì thế tại công văn số 30/HH-NC&PTCS, ngày 15/5/2023, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng cho khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng cho các cơ sở giáo dục đại học.

Tại công văn nêu trên, Hiệp hội đã nhắc lại tính thực tiễn, tính khoa học của việc kiến tạo trình độ cao đẳng và nhấn mạnh.

Bậc đại học bao gồm 4 trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được thể hiện nhất quán tại Nghị định số 90-CP ngày 24/11/1993 của Chính phủ, Luật Giáo dục số 11/1998/QH10, Luật Giáo dục số 38/2005/QH11, Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13.

Năm 2014 Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua với số phiếu không cao (55,13% số đại biểu tán thành). Tại các điều 76, 77 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã bãi bỏ tất cả những quy định liên quan đến trình độ cao đẳng thuộc bậc đại học ở các luật trước đó. Chính điều này đang để lại nhiều hệ luỵ.

Công văn cũng đã chỉ ra một số tác động không mong đợi đến giáo dục đại học. 

Thứ nhất là hạ chuẩn các trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, làm khuyết trình độ đào tạo thuộc bậc đại học; phủ nhận thực tiễn, xa rời thông lệ quốc tế.

Thứ hai là hạn chế vấn đề liên thông. Dựa vào Luật giáo dục 2019 có thể chia ra liên thông theo chiều dọc (học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề); liên thông theo chiều ngang (chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác).

Nhưng chương trình cao đẳng theo Luật giáo dục 2014 đã hoàn thành các cấp độ nhưng thuộc diện “không được tiếp cận trực tiếp giáo dục đại học”. Trong khi đó, chương trình đại học không thiết kế theo hướng kế thừa chương trình giáo dục nghề nghiệp. Đằng sau vấn đề này có lý do là không đặt trình độ cao đẳng đúng chỗ.

Thứ ba là triệt tiêu thế mạnh của các cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, đặc biệt là các trường đại học địa phương. Theo chỉ đạo của Tổng cục Dạy nghề, các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng. Trong khi, hầu hết các trường đại học theo hướng ứng dụng được thành lập trên cơ sở trường cao đẳng chuyên nghiệp, có khi gộp cả trường trung cấp.

Về khía cạnh này, các trường đại học địa phương đang gặp trở ngại lớn. Con số khảo sát các trường đại học địa phương cho thấy, năm học 2015-2016 tỷ lệ nhập học cao đẳng bình quân là 39,9%; năm học 2019-2020, con số này giảm xuống 12,8%.

Trong khi đó, Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định, mỗi trường phải nỗ lực thực hiện lộ trình cắt giảm 5-15% chi thường xuyên. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số trường đại học đại phương xin nhập vào đại học quốc gia, khiến cả trường đại học địa phương và đại học quốc gia đều xa rời sứ mệnh.

Từ những phân tích về tình hình giáo dục đại học của nước ta hiện nay, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị hai nội dung.

Một là, xem xét, chỉ đạo xây dựng dự án sửa đổi Luật Giáo dục đại học, trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật sớm nhất có thể.

Hai là, trong khi chờ sửa đổi Luật Giáo dục đại học, Hiệp hội kiến nghị:

Xem xét, cho phép khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học.

Xem xét, cho phép các cơ sở cao đẳng chuyên nghiệp (những đơn vị trước đây vận hành theo chỉ đạo, quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo) được tự đăng ký, lựa chọn hướng đi tiếp: (i) theo mô hình dạy nghề, hoặc (ii) trở lại mô hình cao đẳng chuyên nghiệp.

– Chỉ đạo đánh giá tác động của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục để làm căn cứ khắc phục những hạn chế của các luật có liên quan.