Bộ Tư pháp thẩm định Luật Thương mại điện tử
Dự thảo luật đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với hoạt động bán hàng livestream, chủ quản nền tảng phải xác thực danh tính người livestream, công khai và thực hiện cơ chế, biện pháp kiểm soát theo thời gian thực nội dung bán hàng livestream; người bán cung cấp cho người livestream các tài liệu pháp lý chứng minh đáp ứng điều kiện...

Ngày 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định Luật Thương mại điện tử.
ĐỀ XUẤT 6 NHÓM CHÍNH SÁCH VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022).
Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ đô la Mỹ năm 2014 đến 25 tỷ đô năm 2024, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn, đóng góp 10% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2024.
Thị trường thương mại điện tử là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật về thương mại điện tử chỉ mới ở cấp Nghị định nên chưa đủ hiệu lực điều chỉnh các vấn đề quan trọng mang tính đa ngành.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, dẫn đến các chính sách, quy định về thương mại điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Hệ thống pháp luật về thương mại điện tử còn thiếu tính thống nhất, toàn diện; các mô hình thương mại điện tử mới chưa có quy định điều chỉnh riêng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; vấn đề hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát triệt để; hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh chóng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp…
Luật thương mại điện tử được xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các bất cập, hạn chế trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử trong thời gian vừa qua cũng như để phù hợp với xu thế đổi mới do công nghệ số đã làm thay đổi và định hình lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử.
Đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử theo hướng khuyến khích sáng tạo trong việc xây dựng và thực thi quy định, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số.
Dự thảo Luật thương mại điện tử quy định 6 nhóm chính sách cụ thể:
- Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử;
- Quy định loại hình và trách nhiệm của các chủ thể tham gia nền tảng số đa dịch vụ, mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử;
- Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam, hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, người bán nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam;
- Quy định về dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử và trách nhiệm của các chủ thể liên quan;
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử;
- Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xanh và bền vững.
ĐẢM BẢO TÍNH MINH BẠCH TRÊN CÁC NỀN TẢNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Theo đó, dự thảo Luật quy định 4 mô hình hoạt động thương mại điện tử bao gồm nền tảng thương mại điện tử kinh doanh trực tiếp, nền tảng thương mại điện tử trung gian, mạng xã hội hoạt động thương mại điện tử, nền tảng tích hợp đa dịch vụ.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với hoạt động bán hàng livestream, chủ quản nền tảng phải xác thực danh tính người livestream, công khai và thực hiện cơ chế, biện pháp kiểm soát theo thời gian thực nội dung bán hàng livestream; người bán cung cấp cho người livestream các tài liệu pháp lý chứng minh đáp ứng điều kiện.
Người livestream không được cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về công dụng, xuất xứ, chất lượng, giá cả, khuyến mại, chính sách bảo hành và các nội dung khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ; thực hiện đúng nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp pháp luật quy định phải xác nhận nội dung quảng cáo.
Đáng chú ý, dự thảo luật cấm kinh doanh, tạo điều kiện cho người khác kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng, và hàng hóa vi phạm quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm.
Một điểm mới quan trọng là cấm sử dụng các thuật toán hoặc biện pháp để hạn chế hoặc ưu tiên việc hiển thị sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mà không công khai tiêu chí lựa chọn. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trên các nền tảng thương mại điện tử.