09:20 09/09/2008

Vì sao tiến độ giải ngân vốn FDI chậm?

Ngô Minh

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói về tiến độ giải ngân vốn FDI vào Việt Nam

"Không nên thấy lượng vốn FDI vào nhiều mà kết luận Việt Nam có những yếu kém trong giải ngân, giải ngân phải giải quyết tổng thể và hài hòa rất nhiều công việc chứ không phải là chỉ thúc ép các nhà đầu tư giải ngân".
"Không nên thấy lượng vốn FDI vào nhiều mà kết luận Việt Nam có những yếu kém trong giải ngân, giải ngân phải giải quyết tổng thể và hài hòa rất nhiều công việc chứ không phải là chỉ thúc ép các nhà đầu tư giải ngân".
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói về tiến độ giải ngân vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian qua.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang diễn ra chậm. Vậy, đâu là những khó khăn đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn này, thưa ông?

Thực sự Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức để duy trì được nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam như những năm qua. Để duy trì được nguồn vốn này, Việt Nam phải tổ chức tốt công tác giải ngân, đây đang được coi là nhiệm vụ số một trong năm 2008 và những năm tiếp theo.

Tôi cho rằng, để giải ngân được nguồn vốn FDI này, chúng ta cần phải đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư đúng tiến độ và có những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải ngân.

Tính đến hết tháng 8/2008, mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng qua báo cáo của các đoàn công tác của Cục Đầu tư nước ngoài, việc giao đất và đền bù ở các địa phương còn nhiều bất cập.

Những bất cập đó chủ yếu liên quan đến chính sách dân sinh và an sinh xã hội, công tác tái định cư cho người dân tại các địa phương có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn rất lúng túng.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: giá cả nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát cao, lãi suất ngân hàng tăng cao cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án FDI. Nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc đến việc giải ngân sao cho hiệu quả nhất.

Ngoài những nguyên nhân trên còn có nguyên nhân đến từ việc chuẩn bị nguồn lực lao động cho các dự án, đặc biệt là những dự án lớn vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, mặc dù điều này đã và đang được Việt Nam khắc phục.

Hay những yếu kém về cơ sở hạ tầng cũng góp phần ảnh hưởng đến thu hút và giải ngân nguồn vốn FDI, quy hoạch hệ thống giao thông và triển khai những công việc ngoài hàng rào của các khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập chưa theo kịp với yêu cầu của nhà đầu tư.

Không những vậy, những điểm yếu cố hữu trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và tiến trình xem xét quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động môi trường cũng đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình này.

Đang có một số ý kiến cho rằng, nếu so sánh với lượng vốn FDI Việt Nam đã thu hút được thì lượng vốn giải ngân 1 tháng 1 tỷ như hiện nay phải chăng là quá ít và đang gây sức ép cho Việt Nam?

Trong những năm gần đây tốc độ giải ngân được tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, với lượng vốn vào Việt Nam cao như 8 tháng đầu năm 2008 sẽ cần ít nhất là 5 năm để giải ngân hết số vốn này.

Thông thường với một dự án FDI, riêng chuyện đền bù và giải phóng mặt bằng đã mất khoảng 1 năm, sau đó là xây dựng nhà máy cũng mất từ 3-4 năm, do vậy không thể đẩy nhanh được tiến độ giải ngân như nhiều người mong đợi.

Không nên thấy lượng vốn FDI vào nhiều mà kết luận Việt Nam có những yếu kém trong giải ngân, giải ngân phải giải quyết tổng thể và hài hòa rất nhiều công việc chứ không phải là chỉ thúc ép các nhà đầu tư giải ngân. Bên cạnh đó cũng phải đảm bảo vừa thu hút được luồng vốn FDI nhưng cũng phải vừa bảo đảm an ninh xã hội, vừa đảm bảo môi trường.

Thực tế, quá trình giải ngân của Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tích rất lớn, cần phải nhìn vào những mặt đã đạt được của giải ngân trong thời gian qua tại Việt Nam. Với khả năng nền kinh tế như hiện nay, với cơ sở hạ tầng như vậy, với năng lực lao động như vậy và bao gồm cả những khâu cốt yếu nhất như điện, nước, đường xá, cầu cống, sân bay, bến cảng... thì một tháng giải ngân được 1 tỷ USD là một nỗ lực lớn của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 8/2008, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã được phân bổ như thế nào, thưa ông?

Số dự án FDI cấp mới trong 8 tháng đầu năm đạt 772 dự án bằng 79,2% so với cùng kỳ năm 2007, nhưng tổng số vốn đăng ký cấp mới đạt 46,3 tỷ USD, tăng 516,4% so với cùng kỳ năm 2007.

Còn với các dự án đang hoạt động tại Việt Nam đã thực hiện tăng vốn trong 8 tháng đầu năm là 210 dự án, với số vốn đăng ký tăng thêm là 883,6 triệu USD.

Như vậy, tổng cộng vốn cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng đầu năm 2008 là 47,1 tỷ USD, tăng 450% so với cùng kỳ năm 2007.

Trong 46,3 tỷ USD cấp mới được phân bổ như sau: đầu tư vào công nghiệp là 455 dự án với tổng vốn đăng ký là 22,5 tỷ USD, dịch vụ 282 dự án với số vốn là 23,6 tỷ USD, nông lâm ngư nghiệp là 35 dự án với số vốn 201 triệu USD.

Trong 455 dự án đầu tư vào công nghiệp có: 7 dự án đầu tư vào công nghiệp dầu khí, công nghiệp nặng là 156 dự án, công nghiệp nhẹ 198 dự án, công nghiệp thực phẩm là 29 dự án, xây dựng là 65 dự án.

Với dịch vụ: giao thông vận tải và bưu điện là 13 dự án, khách sạn du lịch 21 dự án, khu đô thị mới là 3 dự án, xây dựng khu văn phòng và căn hộ là 22 dự án, văn hóa - y tế - giáo dục là 12 dự án, các dịch vụ khác là 205 dự án.