10:01 04/09/2008

50 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm nay?

Thùy Trang

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2008 được dự báo đạt 50 tỷ USD, trong khi vốn thực hiện ước đạt 10 tỷ USD

Nhà máy sản xuất chipset của Intel đặt tại Việt Nam, một trong những dự án FDI lớn nhất về lĩnh vực công nghệ cao.
Nhà máy sản xuất chipset của Intel đặt tại Việt Nam, một trong những dự án FDI lớn nhất về lĩnh vực công nghệ cao.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa đưa ra những dự báo khả quan về xu hướng đầu tư vào Việt Nam trong năm 2008.

Theo đó, triển vọng thu hút FDI đăng ký cả năm 2008 có thể đạt trên 50 tỷ USD, với số vốn thực hiện đạt hơn 10 tỷ USD; tổng số ODA ký kết sẽ đạt 3,107 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện dự báo sẽ là 584,8 nghìn tỉ đồng.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã liên tiếp đạt mức kỷ lục và được coi là điểm sáng nổi bật trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế từ đầu năm. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 47,158 tỷ USD. Cụ thể, có 772 dự án được cấp giấy phép đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 46,324 tỷ USD và 210 lượt dự án tăng vốn có tổng số vốn tăng thêm là 833,6 triệu USD.

Chỉ riêng tháng 8/2008, cả nước có 118 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,827 tỉ USD và 22 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 45 triệu USD.

Trong tháng 8, vốn FDI thực hiện là 1 tỷ USD, đưa tổng số vốn thực hiện 8 tháng đầu năm lên 7 tỷ USD.

Đáng chú ý là FDI có xu hướng chuyển dịch từ lĩnh vực dịch vụ sang lĩnh vực công nghiệp nhờ hai "siêu dự án" có tổng vốn đăng ký là 14,097 tỷ USD, đó là: Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư gần 7,9 tỷ USD tại Vũng Áng, Hà Tĩnh và liên doanh giữa Công ty Lọc dầu Nghi Sơn với các tập đoàn của Nhật Bản và Kuwait đầu tư 6,2 tỷ USD tại Thanh Hoá.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Trung tâm, giải ngân vốn vẫn là vấn đề còn tồn tại, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết những yếu kém về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt là các biện pháp ổn định chính sách vĩ mô, rút ngắn quy trình thẩm định và phê duyệt dự án, xử lý các dự án chậm triển khai.

50 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm nay?  - Ảnh 1

Qua thực tế kiểm tra, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận thấy nhiều dự án FDI có cam kết vốn lớn, nhưng thực tế giải ngân rất thấp, nhà đầu tư chủ yếu cam kết để xin đất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cảnh báo các địa phương cần xem xét, rà soát lại những dự án chiếm đất.

Trong khi đó, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vẫn thực sự là nguồn vốn đầu tư quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện môi trường... Trung tâm dự báo, tổng giá trị ODA ký kết trong các tháng cuối năm 2008 ước đạt 1,826 tỷ USD, trong đó vốn vay 1,299 tỷ USD và viện trợ không hoàn lại 527 triệu USD.

Như vậy, nếu không có nhiều thay đổi, tổng số ODA ký kết năm 2008 sẽ đạt 3,107 tỷ USD (trong đó vốn vay là 2,515 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại là 529 triệu USD). Thông thường, các dự án ODA tập trung giải ngân vào 6 tháng cuối năm và có thể đạt 2,5 tỷ USD cho cả năm 2008.

Với yêu cầu cấp thiết về kiềm chế lạm phát và nâng cao hiệu quả đầu tư trong những tháng còn lại của năm 2008, số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thay vì đầu tư dàn trải không hiệu quả, sẽ được tập trung cho các công trình có khả năng hoàn thành trong năm và đưa vào sử dụng.

Theo dự tính của Chính phủ, trong năm 2008, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trong năm 2008 dự báo sẽ là 584,8 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 84,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,5% trong tổng số vốn.

Như vậy, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP sẽ đạt xấp xỉ 40,1% GDP, gần bằng mục tiêu Quốc hội đề ra là 42%.